Phải hoàn trả người bệnh bảo hiểm y tế các chi phí thu sai quy định

(PLVN) - Ngày 26/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế và tập huấn về đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2020 khu vực miền Nam.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đại diện Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến chủ trì Hội nghị, cùng sự tham gia của đại diện từ BHXH tại 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hội nghị đã báo cáo tổng quan tình hình thực hiện chính sách BHYT năm 2019, 9 tháng đầu năm 2020; cập nhật tình hình tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cùng với những tồn tại, bất cập, giải pháp trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Ths. Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - báo cáo tổng quan tình hình thực hiện chính sách BHYT.
 Ths. Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - báo cáo tổng quan tình hình thực hiện chính sách BHYT.

Theo đó, hiện nay có 20 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực liên quan đến chính sách BHYT trong cả nước. Đáng chú ý là Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định về hồ sơ, bệnh án điện tử. Theo đó, hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm: Bệnh án nội trú, Bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế được triển khai thực hiện từ năm 2019, chia thành 2 giai đoạn thực hiện:

Giai đoạn 2019 - 2023: Áp dụng đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) hạng I trở lên; Đối với các cơ sở KCB khác thì căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Giai đoạn 2024 - 2028: Áp dụng đối với tất cả cơ sở KCB trên toàn quốc; Trường hợp chưa triển khai phải báo cáo cơ quan quản lý trực thuộc nêu rõ lý do và phải hoàn thành trước 31/12/2030.

Bên cạnh đó, năm 2019 cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 105/NĐ-CP và các nội dung của Thông tư liên tịch số 41/2015/TTLT) quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT.

Trong quá trình triển khai, cơ quan tổ chức thực hiện (BHXH Việt Nam) và cơ quan xây dựng chính sách (Bộ Y tế) được phối hợp chặt chẽ. BHXH Việt Nam đã khẳng định được vai trò trong phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ phía Bộ Tài chính khi đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển bền vững quỹ BHYT.

Các đại biểu tham dự Hội nghị giao ban và tập huấn
 Các đại biểu tham dự Hội nghị giao ban và tập huấn

Tính đến 31/12/2019, toàn quốc có 85,95 triệu người tham gia BHYT, đạt 100,7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 2,41 triệu người (2,9%) so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ đạt khoảng 89,3% dân số vượt 1,2% so với Quyết định số 1167/QĐ-TTg, trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người,tăng 1,7 triệu người so với năm 2018 (tương đương tăng 10,8%).

Đặc biệt, 28/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, tập trung tại các tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Phú Yên…

Trong 9 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHYT là 86,73 triệu, đạt tỷ lệ khoảng 89,6% dân số tham gia BHYT; tăng 308 nghìn người so với tháng 8/2020, tăng1,57triệu người so với cùng kỳ năm 2019, tăng 801 nghìn người so với cuối năm 2019. Đạt 98,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 1,33 triệu người.

Công tác giám định điện tử ngày càng được hoàn thiện. Trong năm 2019, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận dữ liệu của 184,14 triệu lượt KCB đề nghị thanh toán BHYT, tỷ lệ liên thông dữ liệu đạt trên 92,04%. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chính sách BHYT còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục như chậm trong công tác thu, phát triển đổi tượng BHYT; công tác thẩm định cơ sở KCB còn nhiều hạn chế, nhân lực y tế, chứng chỉ hành nghề không được rà soát thường xuyên; nhân lực đăng ký hành nghề không đúng quy định; tổng hợp chi phí KCB BHYT để quyết toán không đúng niên độ tài chính; thanh toán chi phí KCB BHYT không đúng quy định; không đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT....

Theo đó mỗi hạn chế được nêu ra đều có giải pháp cụ thể, đặc biệt là vấn đề không đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT, đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT đã yêu cầu BHXH tỉnh phải có văn bản yêu cầu cơ sở KCB phải đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) cho người bệnh BHYT, không để người bệnh tự mua các thuốc, hóa chất, VTYT theo đúng quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BYT.

Đồng thời BHXH tỉnh đề nghị cơ sở KCB có trách nhiệm hoàn trả người bệnh BHYT các chi phí thu sai quy định. Trường hợp không hoàn trả được cho người bệnh BHYT thì đề nghị cơ sở KCB nộp vào ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng cần hỗ trợ như đối tượng cận nghèo, học sinh sinh viên….

Hội nghị tập huấn sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 28/10.

Đọc thêm