Phải thay đổi những định kiến giới

(PLO) - Sáng qua (4/3), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối Hợp với Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới để “nhìn lại những kết quả và cả những rào cản” trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững. 
Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về bình đẳng giới (BĐG) và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

“Chịu đựng một tý thì đã sao?”

Đại diện Vụ BĐG, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã có sự tiến bộ về bình đẳng trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hóa gia  đình, lựa chọn sinh con theo giới tính. Bản thân phụ nữ cũng tự thay đổi nhận thức theo hướng tiến bộ và ngày càng khẳng định bản thân. Ngay từ công tác xây dựng pháp luật, vấn đề BĐG đã được lồng ghép. Hiện đã có 40 luật khi soạn thảo đã thực hiện lồng ghép BĐG và nhiều chính sách được ban hành nhằm thực hiện tốt mục tiêu BĐG. 

Tuy  nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, tình trạng bạo lực với phụ nữ chưa giảm mà còn diễn biến phức tạp, một số vùng ở nông thôn miền núi, trẻ em gái và phụ nữ còn bị cản trở bởi các quan điểm lạc hậu…

Đưa ra số liệu về thực hiện các mục tiêu BĐG ở Việt Nam dưới góc nhìn của Liên Hợp quốc, bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia Chương trình của UN Women tại Việt Nam chỉ rõ, một số vấn đề bất BĐG ở Việt Nam thể hiện ở các vị trí lãnh đạo và chính trị, trong lực lượng lao động, tiếp cận và hưởng lợi từ an sinh xã hội, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Dù nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ cán bộ nữ trong tổ chức đảng, cơ quan dân cử vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu. Chỉ hơn 1/3 lao động làm công ăn lương chủ yếu làm công việc được trả lương thấp, công việc chất lượng thấp và được trả lương thấp hơn nam giới cho cùng công việc có giá trị tương đương. Đồng thời, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ ngày càng gia tăng, tỷ lệ thu nhập của nữ so với nam giảm từ 87% năm 2004 xuống còn 80% năm 2012.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Đó là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng bất BĐG. Theo bà Vũ Phương Ly, cần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, với việc tạo việc làm bền vững, giải quyết bất bình đẳng trong nghề nghiệp và khoảng cách giới trong trả lương, giảm thiểu gánh nặng việc nhà không được trả công.

Cùng  với đó, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam hy vọng nhiều nguồn lực hơn sẽ được phân bổ và gia tăng gấp đôi các nỗ lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG và Chương trình hành động quốc gia về BĐG mới được thông qua tại Việt Nam.

Để tăng hiệu quả Chiến lược quốc gia về BĐG, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Viện Nghiên cứu dân số và trẻ em kiến nghị “quan tâm đến người cao tuổi là nữ” vì dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh nhất châu Á với hơn 10% là người cao tuổi, phần lớn là nữ. Song, hiện nhiều phụ nữ cao tuổi vẫn phải lao động, nhiều khi vẫn khó khăn về kinh tế nhưng trong Chiến lược chưa được quan tâm.

Đem kỳ vọng và tầm nhìn của thanh niên Việt Nam về vấn đề BĐG giữa nam và nữ tới năm 2030 đến Diễn đàn, đại diện Mạng lưới Thanh niên trẻ vận động vì BĐG và nâng cao quyền năng cho phụ nữ cho biết:“Tôi muốn con gái mình lớn lên có thể lên tiếng về những mong muốn của bản thân chứ không phải là im lặng, là chịu đựng, là hy sinh. Và hơn hết, cô gái ấy lớn lên và hiểu rõ được mình hoàn toàn có thể đạt được những điều cô ấy mong muốn khi mọi rào cản, phân biệt liên quan đến giới được xóa bỏ”.

Theo các đại biểu trong và ngoài nước, để khắc phục tình trạng bất BĐG xuất phát từ chính nhận thức, nếp nghĩ của xã hội về vai trò nam và nữ, “cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách về BĐG, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về BĐG, lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện văn bản pháp luật… và quan trọng là “cần tập trung thay đổi những định kiến giới và các chuẩn mực xã hội đang duy trì bất BĐG” – chuyên gia UN Women khuyến nghị.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và UN Women, có đến 58% phụ nữ từng kết hôn đã bị bạo lực thể chất, tình dục hoặc tinh thần nhưng 87% trong số họ chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ chính thức hoặc chính quyền. 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và chỉ có 1,9% số này cho biết sẽ trình báo công an. Trong số 42% các vụ bạo lực gia đình được báo công an, chỉ có 12% các vụ việc bị buộc tội hình sự và chỉ có 1% trong số các trường hợp bị kết án.

Đọc thêm