Phạm tội trộm cắp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?

(PLVN) - T trộm vàng của anh H, trên đường về nhà T nói cho N biết. Sau đó, cả hai đón xe lên thành phố bán vàng, chia nhau tiền tiêu xài cá nhân. N phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, hay tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp đồng phạm với vai trò giúp sức? 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 4 vụ án, có 3 vụ T và N cùng thực hiện, 1 vụ T thực hiện một mình. Riêng vụ thứ tư có diễn biến: vào một buổi chiều, T, N, anh H  và vài người bạn nữa nhậu chung. Đến tối mọi người đều say, T, N và anh H ngủ tại chỗ nhậu. Khoảng 3 giờ sáng, T tỉnh giấc, thấy anh H vẫn còn ngủ, trên người có đeo nhiều vàng. T nhẹ nhàng tháo vàng của anh H, sau đó gọi N thức dậy đi về. Trên đường đi, T kể cho N nghe về việc lấy vàng của anh H, sau đó cả hai đón xe lên thành phố bán vàng. Bán được 68 triệu đồng, T lấy 34 triệu, chia cho N 34 triệu để tiêu xài. 

Cáo trạng kết luận, T thực hiện 4 vụ trộm, N thực hiện 2 vụ và cả 2 bị can đều bị truy tố về “Tội trộm cắp tài sản” theo Khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, N còn bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Khoản 1 Điều 323 BLHS, vì cho rằng trong vụ trộm vàng của anh H chỉ mình T là người thực hiện, còn N phạm tội tiêu thụ. 

Như vậy, theo như Cáo trạng thì T chỉ phạm một tội “Trộm cắp tài sản” và hình phạt tối đa đến 7 năm; còn N phạm 2 tội “Trộm cắp tài sản” và “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, hình phạt tối đa của 2 tội đến 10 năm tù. Vậy, trong vụ trộm vàng của anh H, N có phạm tội tiêu thụ tài sản hay đồng phạm với T về tội trộm cắp? 

Ths Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang) phân tích: Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Đây là hành vi chuyển dịch quyền sở hữu tài sản như bán, trao đổi… tài sản mà mình biết rõ tài sản đó là do người khác phạm tội mà có (mặc dù không hứa hẹn trước). Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Về hình phạt, Khoản 1 Điều 323 BLHS phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Điều 17 BLHS quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. 

Tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc là hai giai đoạn khác nhau của tội phạm. Tội phạm hoàn thành là hành vi phạm tội thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Có thể hiểu, tội phạm hoàn thành khi hành vi của người phạm tội đã có đủ các dấu hiệu phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội đó. Thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích của mình hay chưa. Khi tội phạm hoàn thành thì có thể người phạm tội đã đạt được hoặc chưa đạt được mục đích của mình. Nếu đã thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm thì là tội phạm hoàn thành. 

Tội phạm kết thúc là khi hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt, không còn xảy ra trên thực tế. Tội phạm kết thúc có thể xảy ra trong các trường hợp sau: (1) Khi người phạm tội đã đạt được mục đích nên dừng việc thực hiện các hành vi phạm tội; (2)Khi người phạm tội bị ngăn cản nên không thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội; (3)Khi người phạm tội tự ý dừng việc phạm tội.

Thời điểm tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau. Hành vi phạm tội của tội phạm có thể dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và cũng có thể kéo dài qua thời điểm tội phạm hoàn thành. Việc xác định đồng phạm dựa vào thời điểm tội phạm kết thúc và hoàn toàn không phụ thuộc vào thời điểm tội phạm hoàn thành. 

Về trường hợp trên, ông Bùi Đức Độ cho rằng tội trộm cắp tài sản hoàn thành khi T đã lấy được tài sản của anh H, nhưng chỉ kết thúc khi T đạt được mục đích bán lấy tiền. Nếu như N và T chưa thực hiện vụ trộm lần nào, T không cùng N đi bán vàng thì tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được đặt ra.

Thế nhưng, trong vụ án này T và N đã cùng nhau thực hiện nhiều vụ trộm nên rất hiểu ý nhau, N tham gia khi hành vi phạm tội của T chưa thực sự chấm dứt; T và N cùng nhau đi bán vàng chia nhau tiền để tiêu xài nên N trở thành đồng phạm của T với vai trò giúp sức, không cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, cũng như T, N chỉ phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 BLHS. 

Đọc thêm