Phấn đấu xây dựng Bình Thuận thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 28/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị lần thứ 17 thông qua Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Hữu Tri)
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Hữu Tri)

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, tới tham dự còn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh, các Tỉnh ủy viên khóa XIV cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành tỉnh Bình Thuận.

Qua báo cáo tại Hội nghị, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội qua 05 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 18,33%/ năm, cao hơn 8,83% so với chỉ tiêu đề ra và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của Bình Thuận.

Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhắm đến mục tiêu phát triển công nghiệp thực sự trở thành trụ cột kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Nội bộ ngành công nghiệp sẽ có sự thay đổi với việc giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và những ngành sử dụng lao động, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng, công nghiệp môi trường và những ngành sử dụng ít lao động. Đó là hiệu quả khi đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay ngành công nghiệp của Bình Thuận phát triển chưa cân đối, thu hút dự án công nghiệp công nghệ cao còn ít, chưa phát huy được thế mạnh về nguồn nguyên liệu của địa phương dẫn tới việc chưa tạo ra được giá trị sản phẩm có giá trị cao…. Đồng thời kiến nghị trong thời gian tới cần quan tâm đến việc quy hoạch điện gió vì liên quan lớn đến vấn đề biển đảo, rà soát lại quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ở các huyện, tái cơ cấu ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng công nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Thống nhất với quan điểm chỉ đạo trong dự thảo nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh về mục tiêu, thống nhất phấn đấu xây dựng Bình Thuận thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ủy quyền cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh các dự thảo và Nghị quyết.

Kết thúc hội nghị, với sự nhất trí cao, dự thảo Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được các đại biểu biểu quyết thông qua.

Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Thuận dự kiến: giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp tỉnh nhà bình quân đạt 11,5 - 12,5%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng (GRDP) của ngành công nghiệp chiếm 33,5 - 35% tổng sản phẩm nội tỉnh; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt trên 550 triệu USD. Các huyện, thị xã, thành phố có từ 01 - 02 cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh lấp đầy trên 50% diện tích. Giai đoạn 2026 - 2030, GRDP của ngành công nghiệp bình quân đạt 13%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng (GRDP) của ngành công nghiệp chiếm 37% tổng sản phẩm nội tỉnh; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt trên 800 triệu USD. Hoàn chỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có; thành lập Khu công nghiệp phía Nam tỉnh thuộc khu vực các huyện Đức Linh, Tánh Linh.

Đọc thêm