Quyền cá nhân đối với hình ảnh không phải là bất khả xâm phạm

(PLO) - Phiên xử hàng loạt cựu lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank, nay đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân) đang diễn ra có phát sinh một tình huống pháp lý khá thú vị khi các luật sư đề nghị HĐXX yêu cầu các phóng viên không được xâm hại quyền cá nhân của bị cáo trong việc chụp ảnh và đưa tin tại phiên tòa. 
Quyền cá nhân đối với hình ảnh không phải là bất khả xâm phạm

Theo đó, một vấn đề được dư luận quan tâm rằng đâu là ranh giới giữa quyền hình ảnh cá nhân của các bị cáo và quyền tác nghiệp của phóng viên báo chí.

“Đe dọa” phóng viên đưa tin, chụp ảnh

Bắt đầu ngày làm việc thứ 3 trong phiên xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Navibank (ngày 2/3 vừa qua), phía luật sư bảo vệ cho các bị cáo gay gắt đề nghị HĐXX yêu cầu các phóng viên không được tác nghiệp, để bảo vệ quyền cá nhân về hình ảnh cho thân chủ của họ theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. 

Trong ngày làm việc trước đó, luật sư và các bị cáo cũng phản ứng khá quyết liệt mỗi lần phóng viên chụp hình. Dù được giải thích rõ việc tác nghiệp này đã được sự đồng ý của chủ tọa và HĐXX, một số bị cáo yêu cầu phóng viên phải đưa “văn bản đồng ý của HĐXX ra đây” và phải được chính bị cáo cho phép. Thậm chí, trước khi chính thức có ý kiến đề nghị với HĐXX không cho phóng viên tác nghiệp, một luật sư bảo vệ cho các bị cáo đã đăng trên Facebook cá nhân của mình với lời lẽ khá gay gắt. 

Về đề nghị trên, chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) trả lời với các luật sư rằng đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí tác nghiệp phải tuân thủ nội quy phiên tòa, theo đúng luật báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa. “Chúng tôi cũng không thể cấm báo chí đưa tin phiên xử được vì phiên tòa công khai” - chủ tọa Lâm khẳng định. 

Liên quan đến vấn đề này, dư luận cho rằng nếu không được xử lý thấu đáo thì cứ mỗi phiên tòa tới đây có thể sẽ lại phát sinh những tình huống tương tự. Do đó, cần hiểu rõ ranh giới giữa quyền hình ảnh của cá nhân và quyền tác nghiệp của báo chí.

Nhiều chuyên gia pháp lý nhìn nhận, việc đề nghị không cho báo chí tác nghiệp vì ảnh hưởng đến các bị cáo trong phiên tòa là suy luận thiếu cơ sở. Phiên tòa xét xử công khai, báo chí thực hiện việc tác nghiệp tại tòa theo quy định của Luật Báo chí, chỉ trừ những phiên tòa về an ninh quốc gia hay trái với thuần phong mỹ tục mới bị hạn chế. Nếu việc tác nghiệp của phóng viên ảnh hưởng xấu đến tình trạng của các bị cáo thì khi ấy HĐXX sẽ xem xét.

2 trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân không cần “xin phép”

Trở lại với đề nghị không cho chụp ảnh bị cáo do có quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì theo quy định tại Điều 32 Bộ luật này, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó hoặc người đại diện của họ đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 32 BLDS).

Hướng dẫn về các trường hợp cá nhân, tổ chức khác sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cuốn Sổ tay pháp lý “Một số quyền về nhân thân và tài sản của các nhóm dễ bị tổn thương” do Bộ Tư pháp xây dựng cho biết, đó là trong trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Bộ Tư pháp lưu ý, việc sử dụng hình ảnh của người khác trong hai trường hợp nêu trên vì mục đích thương mại thì vẫn phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 32 BLDS). 

Cũng theo Bộ Tư pháp, tổ chức, cá nhân sử dụng hình ảnh của cá nhân khác một cách trái pháp luật sẽ bị xử lý theo từng mức độ. Cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà truy cứu trách nhiệm pháp lý của người vi phạm về dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Chẳng hạn, điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, hỗ trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định người sử dụng hình ảnh có thể bị phạt tiền từ 10 — 15 triệu đồng khi có hành vi lợi dụng hình ảnh của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

Đọc thêm