Vụ án “Cướp đò trên sông Ka Long”: Công tố viên thừa nhận có nhầm lẫn, sai sót trong bản cáo trạng

(PLVN) - Khi các LS đang tranh tụng với đại diện VKS, bị cáo Bùi Mạnh Giáp đã chỉ ra điểm “làm sai lệch hồ sơ vụ án” trong bản cáo trạng của VKSND TP Móng Cái và đề nghị HĐXX niêm phong tài liệu, hồ sơ vụ án này.
Đại diện VKSND TP Móng Cái thừa nhận có sai sót trong bản cáo trạng.
Đại diện VKSND TP Móng Cái thừa nhận có sai sót trong bản cáo trạng.

Phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Mạnh Giáp (SN 1983, trú tại Mê Linh, TP Hà Nội) tội Cướp tài sản bất ngờ nóng lên khi bị cáo Giáp đề nghị HĐXX niêm phong bản cáo trạng và hồ sơ vụ án vì có dấu hiệu sửa chữa, sai sót ngay trong chính bản cáo trạng truy tố.

Theo bị cáo Giáp, cáo trạng số 16/CT-VKS-MC ngày 30/01/2019 căn cứ vào điểm b, c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội khóa 14 thì Giáp đã phạm vào các tội “cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

“Tuy nhiên, bản cáo trạng đã thể hiện là nhầm lẫn, sai sót khi dẫn giải về Điều 136 Bộ luật hình sự năm 2015 lại áp dụng cho Điều 168. Như vậy là có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án” – Giáp bức xúc tại tòa.

Sự nhầm lẫn nguy hại trong chính bản cáo trạng buộc tội bị cáo Giáp của VKSND TP Móng Cái.
Sự nhầm lẫn nguy hại trong chính bản cáo trạng buộc tội bị cáo Giáp của VKSND TP Móng Cái.

Bộ luật hình sự năm 2015 thể hiện:

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Gia đình bị hại bức xúc trước câu trả lời của công tố viên.
Gia đình bị hại bức xúc trước câu trả lời của công tố viên.

Không chỉ có vậy, bị cáo Giáp cho rằng Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 12/KLĐT ngày 12/01/2019 của Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái còn thể hiện lý do và căn cứ đề nghị truy tố, tội danh, điều, khoản, điểm của BLHS được áp dụng, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án gồm những tài liệu, chứng cứ thu thập được, cũng như lời khai của Cường, Lâm, Đáng, Trung và Tùng tại phiên tòa hình sự phúc thẩm là khách quan, phù hợp. Từ đó, Cơ quan CQĐT Công an TP Móng Cái nhận thấy có đủ căn cứ để kết luận và đề nghị VKSND TP Móng Cái truy tố Giáp tội Cướp tài sản quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999.

Theo lời của Giáp, thì Trung không có đơn kháng cáo trong phiên xử phúc thẩm nhưng vẫn được giảm án đồng thời lời khai của Trung thể hiện rõ bị cáo Giáp không chỉ đạo. Hơn nữa BLHS đã được thay đổi nên việc Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái đề nghị truy tố theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999 là không đúng, gây ra việc oan sai cho bị cáo.

Sau khi bị cáo Bùi Mạnh Giáp đưa ra điểm nhầm lẫn này, vị đại diện VKSND TP Móng Cái đã thừa nhận sai sót và trả lời rằng “đây là lỗi đánh máy, có sự sai sót. Nhưng bản chất vụ án không bị thay đổi, bị cáo phạm tội Cướp tài sản theo đúng như quan điểm buộc tội”.

Chưa kịp dứt lời thì hằng chục người thân, gia đình của bị cáo bức xúc đứng lên phản đối về bản cáo trạng này. Họ cho rằng bị cáo Giáp oan sai là do sự nhầm lẫn, thiếu trách nhiệm của VKSND TP Móng Cái, của các cơ quan tiến hành tố tụng.

“Việc đưa tạm giam một con người suốt 7 năm trời ra xét xử lại nhầm lẫn thiếu sót như vậy là không thỏa đáng nên đề nghị HĐXX niêm phong theo đề nghị của bị cáo”. Người thân của bị cáo bức xúc tại tòa.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm