Phát động chương trình “Sách cho trại giam”

(PLO) - Sáng 01/10/2017, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ trao Giải sách hay năm 2017. Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng phát động chương trình Sách cho trại giam 2017 – 2018, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng trao tặng những cuốn sách được chọn lọc kỹ lưỡng đến các trại giam trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật, nghề nghiệp, cũng như nuôi dưỡng tinh thần hướng thiện của các phạm nhân. 
Hội đồng xét duyệt. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Hội đồng xét duyệt. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Sách cho trại giam với mục đích “cùng cộng đồng nối dài tri thức đến cánh cửa trại giam” là một trong những hoạt động khuyến đọc đặc biệt do Sáng kiến OpenEdu (cũng là Đơn vị điều hành của Dự án Sách Hay, Giải Sách Hay thường niên, Dự án OneBook) phát động, triển khai. “OneBook” là câu chuyện kể về khát vọng mang tên "dân trí cho vùng khó” với một niềm tin rằng: "Một cuốn sách hay, sách quý có thể làm thay đổi một cuộc đời, một doanh nghiệp, thậm chí cả một xã hội".

Kể từ khi ra đời vào năm 2007, “OneBook” (nay được điều hành bởi Sáng kiến OpenEdu) đã trao tặng hàng nghìn tủ sách đến các vùng khó khăn như nơi biển đảo, trại trẻ mồ côi, và các trường học ở vùng sâu vùng xa; trong đó, những Trại giam không phải là ngoại lệ. Cho đến thời điểm này, Hành trình “Onebook” đã tặng sách cho 4 trại giam trong cả nuớc là: Trại giam Z30D (Bình Thuận); Trại giam Phước Hòa (Tiền Giang) và Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) và Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế). 

Nhà Giáo Dục Giản Tư Trung phát động Chương trình Sách cho Trại Giam. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Nhà Giáo Dục Giản Tư Trung phát động Chương trình Sách cho Trại Giam. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Xuất phát từ quan điểm cho rằng “người tốt nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai” Ban tổ chức cho rằng Sách chính là ‘hạt giống tâm hồn’ giúp nảy mầm nên một tương lai mới, như Rabindranath Tagore, một thi sĩ hiền triết Ấn Độ cũng có lần viết: “Chúng ta biết điều xấu, cái ác giống như sao băng, là những mảnh vụn của sự sống lạc loài, cần sự thu hút của vài lý tưởng vĩ đại để đồng hóa với sự sáng tạo tốt lành”. Phạm tội thì phải trả giá, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng có thể xem những thói xấu, cái ác chỉ là tạm thời và đặt niềm tin vào khả năng hướng thiện bên trong chính mỗi người.

“Tủ sách Trại giam” sẽ bao gồm các đầu sách được định hướng cụ thể: Sách về “Làm Người” (gồm những Sách “Hạt Giống Tâm Hồn”, Sách Văn học, Sách sống đẹp và hướng thiện…); Sách về “Làm Nghề” (để phạm nhân tranh thủ thời gian học nghề trước khi hòa nhập trở lại cuộc sống); Sách về “Làm Dân” (Sách văn hóa, lịch sử, pháp luật). Tổng số 70 đầu sách trị giá gần 5 triệu đồng/bộ. Mỗi trại giam được thụ hưởng chương trình sẽ được trao 20 – 40 bộ.

Được biết, Ban tổ chức có ý định tiến xa hơn là thành lập Câu lạc bộ đọc sách trong các trại giam thụ hưởng chương trình.

Thông qua sự tiếp xúc với các đầu sách phù hợp, Ban tổ chức tin rằng những con người từng mắc sai lầm sẽ tìm được nẻo quay về những giá trị chân - thiện - mỹ, có thêm ý chí cải tạo thật tốt và nhận ra hướng đi đúng đắn. Mỗi quyển sách chính là một nhịp cầu nối dài tri thức đến cánh cửa trại giam, giúp thắp lên ngọn lửa của sự tử tế, soi đường cho những con người từng lầm đường lạc lối sớm trở về với cộng đồng và sống tích cực hơn. Bởi đôi lúc chỉ cần bắt gặp một câu chuyện nhỏ nào đó trong quyển sách hay, kì diệu thay lại có thể khiến thay đổi cả một con người.

Giải Sách Hay là một giải thường niên của Dự án Sách Hay do Viện IRED tổ chức, và kể từ năm 2015 thì có sự đồng tổ chức của Quỹ Phan Châu Trinh. Đến nay là năm thứ 7. Đây là giải thưởng “dân lập” đầu tiên về sách có quy mô của Việt Nam do học giả (tính chuyên gia) và độc giả (tính đại chúng) bình chọn.

Công bố hạng mục Sách Phát hiện mới. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Công bố hạng mục Sách Phát hiện mới. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Giải năm nay gồm 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới. 

Sách hay ở hạng mục Sách Giáo dục được trao cho tác phẩm Nước Đức thế kỷ XIX - Cuộc cách mạng giáo dục khoa học & công nghiệp, của tác giả Nguyễn Xuân Xanh; Dịch phẩm Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác, tác giả Alfred North Whitehead, dịch giả Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường.

Ở hạng mục Sách Nghiên cứu được trao cho tác phẩm Bộ sách 7 cuốn về nghiên cứu lịch sử, của tác giả Nguyễn Duy Chính; Dịch phẩm Định chế totem hiện nay, tác giả Claude Lévi – Strauss, dịch giả Nguyễn Tùng.

Hạng mục Sách Kinh tế trao cho tác phẩm Một vành đai - Một con đường (OBOR): Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam, tác giả Phạm Sỹ Thành chủ biên; Dịch phẩm Bí Ẩn Của Vốn, tác giả Hernando De Soto, dịch giả Nguyễn Quang A.

Hạng mục Sách Quản trị là tác phẩm Bộ sách 7 cuốn về quản trị kinh doanh, tác giả Alan Phan; Dịch phẩm Tương lai của quản trị, tác giả Gary Hamel, Bill Breen, dịch giả Hoàng Anh và Phương Lan.

Hạng mục Sách Thiếu nhi trao cho tác phẩm Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân, tác giả Trần Mai Anh; Dịch phẩm Cánh tay cha là con thuyền vững chãi, tác giả Stein Erik Lunde, Øyvind Torseter, dịch giả Mẹ Ong Bông.

Hạng mục Sách Văn học trao cho tác phẩm Tình cát, tác giả Nguyễn Quang Lập; Dịch phẩm Bảo tàng ngây thơ, tác giả Orhan Pamuk, dịch giả Giáp Văn Chung.

Hạng mục Sách Phát hiện mới thuộc về tác phẩm Đà Lạt một thời hương xa: Du Khảo Văn Hóa Đà Lạt 1954 – 1975 của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên; Mộ phần tuổi trẻ, tác giả Huỳnh Trọng Khang; Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu, tác giả Hoàng Tuấn Công. 

Đọc thêm