Trước đó chiều 1/10, ông Nguyễn Tuân Triệu, ở thôn 3, thuộc làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên khi đào vườn phát hiện 2 cọc gỗ nằm sâu dưới lòng đất. Khu vực phát lộ 2 cọc gỗ gần cửa một dòng kênh của sông Đá Bạc.
Tại thời điểm phát hiện, 2 chiếc cọc có bề mặt màu nâu đen, thân hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng và hơi vát nghiêng. Chiều dài một cọc hơn 4 mét, cọc còn lại hơn 3 mét và cùng đường kính hơn 30cm, đóng vào lớp phù sa màu hồng.
Theo phỏng đoán của người dân địa phương, 2 cọc gỗ này có từ hàng nghìn năm trước, liên quan đến các trận chiến trên sông Bạch Đằng.
Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa kia thuộc tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo quân thuỷ binh của đế quốc Nguyên Mông.