Phát huy hiệu quả hoạt động từ các điểm giao dịch xã, phường

(PLVN) - Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội đoàn thể triển khai hiệu quả hoạt động của điểm giao dịch xã, phường qua đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã tiếp cận, sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH để phát triển sản xuất kinh tế.

Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy lại có mặt tại điểm giao dịch ở xã, phường để làm công tác được giao.

Hàng tháng, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy tổ chức 12 buổi giao dịch tại 12 xã, phường. Tại đây, cán bộ Phòng giao dịch cùng với các tổ chức chính trị xã, phường phổ biến, tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ...

Thông qua các tổ giao dịch xã, phường nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận với nguồn vốn; được hướng dẫn cách thức vay, cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Mai Ngọc (SN 1991, trú tại thôn Tô Đà 2, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy) được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm tại Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy. Từ số tiền đó, chị đầu tư vào việc mở rộng quy mô sản xuất bánh tráng gạo. Đến nay, có sở sản xuất của gia đình chị Ngọc khang trang hơn, thị trường tiêu thụ cũng được mở rông hơn, từ đó mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Phiên giao dịch cố định hàng tháng tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

“Trước đây, gia đình tôi cũng làm nghề sản xuất bánh tráng gạo nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn từ NHCSXH thị xã Hương Thủy, quy mô sản xuất được mở rộng hơn. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho 05 lao động nữ trên địa bàn với mức thu nhập ổn định” - chị Ngọc cho biết thêm.

Tại mô hình trồng bưởi và chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Hạnh (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy), không diấu được niềm vui, ông Hạnh cho biết, năm 2019, ông được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH thị xã Hương Thủy. Từ số tiền trên, ông đầu tư trồng bưởi và nuôi gà, lợn, dê. Từ đó, đến nay gia đình ông đã có 2ha bưởi, hơn 500 con gà và gần 100 con lợn. Việc chăn nuôi và trồng trọt đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Hạnh.

Bên cạnh đó, cán bộ Phòng giao dịch thị xã Hương Thủy còn bám sát địa bàn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích. Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ TK&VV nắm bắt những chính sách mới, kế hoạch hoạt động để kịp thời triển khai. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ TK&VV thường xuyên cập nhật đầy đủ, các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn.

Ngoài ra, nhờ có điểm giao dịch tại xã, phường đã giúp bà con nông dân trong các xã giảm bớt thời gian đi lại; việc tiếp cận nguồn vốn cũng như việc nộp tiền lãi hàng tháng cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Ông Châu Đình Ngữ - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy - cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, với tổng dư nợ 325,8 tỷ đồng với gần 9.000 hộ dân đang được vay vốn. Điểm giao dịch về tận cơ sở xã, phường đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận được chính sách ưu đãi và giảm chi phí.. Dù ngày nắng, ngày mưa, ngày nghỉ hay ngày ngày lễ, nơi nào có hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thì nơi đó có “dấu chân” của những cán bộ NHCSXH.

“Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu. Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp các ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn thị xã” - ông Châu Đình Ngữ cho biết thêm.

Đọc thêm