Phát huy thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 27/6/2022 về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kế hoạch yêu cầu quán triệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ. Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực; phát triển dựa trên công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về năng lực cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế Thủ đô.

Theo Kế hoạch vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.

Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động trên, kế hoạch xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu. Theo đó, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP đạt 7,5-8,0%; về cơ cấu ngành kinh tế, dịch vụ chiếm 65-65,5%; thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm là 10,4-10,6%; công nghiệp – Xây dựng chiếm 22,5-23%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 1,4-1,6%.

Cùng với đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động từ 7-7,5%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%.

Bên cạnh đó, giảm tối thiểu 20% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015…

Kế hoạch nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu trên. Theo đó, TP Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh thị trường dịch vụ. Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đối với những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên…

Thúc đẩy triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch; hình thành một số cụm du lịch trọng điểm, giữ vững vai trò là một trong những trung tâm du lịch, nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc.

Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, áp dụng các giải pháp công nghệ số…

Trong phát triển thị trường khoa học công nghệ, TP Hà Nội xác định sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết cả đôi với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

TP cũng sẽ tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Đọc thêm