Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng

(PLVN) - Từ năm 1992, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng thể quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống cảng biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Rịa – Vũng Tàu hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp, quy hoạch trở thành cảng đặc biệt cấp quốc gia

Hệ thống cảng biển phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành trụ cột kinh tế quan trọng

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có lợi thế với nhiều vùng biển nước sâu. Từ những năm 1992, khi mới vừa thành lập, hệ thống cảng biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn manh mún, chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp, quy hoạch trở thành cảng đặc biệt cấp quốc gia.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 21 dự án cảng đã đi vào hoạt động, tổng công suất thông qua khoảng 60 triệu tấn hàng hóa/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực sông Thị Vải - Cái Mép. Hệ thống cảng nước sâu tại khu vực này đã đón nhiều hãng tàu quốc tế lớn có trọng tải lên tới hàng nghìn tấn.

Đánh giá về hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, PGS, TS Võ Ðại Lược - chuyên gia kinh tế cho biết: “Hệ thống cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tầm quan trọng bậc nhất Việt Nam, tiếp cận tuyến hàng hàng hải quốc tế, liên thông với hệ thống cảng biển Ðồng Nai và TP. Hồ Chí Minh, tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn gắn với những trung tâm kinh tế phát triển năng động. Đặc biệt, hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép và sông Dinh, là hai tuyến vận tải thủy quan trọng. Đây là những điều kiện để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm trung chuyển hàng hóa và thực hiện các dịch vụ logistics của khu vực”.

Cái Mép - Thị Vải thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Trong những năm qua, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hoạt động ngày càng hiệu quả, thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng hơn 22%/năm, xếp thứ 6 thế giới và thứ 1 Đông Nam Á. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng kết nối với cảng được đầu tư đồng bộ. Đây cũng là một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200 nghìn tấn. Cái Mép - Thị Vải hiện là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn liên tục đón nhận nhiều tin vui, nhiều kỷ lục mới được xác lập như: xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng; đạt năng suất xếp dỡ hàng container cao nhất Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng-Kỹ thuật Biển (PORTCOAST) đánh giá: “Hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải tương lai tiếp nhận thế hệ tàu lớn nhất thế giới hiện nay, có trọng tải đến 250 nghìn tấn. Hiện, cụm cảng còn khu vực có dư địa để phát triển rất tốt là Cái Mép Hạ. Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phải quy hoạch, tạo ra các tuyến bến dài tại đây để tiếp nhận đồng thời nhiều tàu mẹ, thực hiện nhiệm vụ trung chuyển quốc tế”.

Hệ thống cảng biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành trụ cột kinh tế quan trọng không chỉ với tỉnh nhà mà còn trở thành trung tâm cảng biển của quốc gia.

Ngành dịch vụ hậu cần cảng từng bước hình thành hệ sinh thái logistics

Cùng với với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển, những năm qua, ngành dịch vụ hậu cần cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực, từng bước hình thành hệ sinh thái logistics.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động

Hiện, tỉnh đã có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm đất khoảng 224 ha. Công tác quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đã hoàn thành, đây là cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và hoạt động logistics của khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhằm kết hợp vận tải đa phương thức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang nghiên cứu hình thành trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, để đẩy nhanh thủ tục thông quan, tỉnh cũng xây dựng Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị đầy đủ để kịp thời thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết với các cảng trong nước, trong khu vực Đông nam Á, Châu Á... để cùng chia sẻ lợi ích, nâng cao năng lực xếp dỡ, đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.

Thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu kêu gọi đầu tư vào logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi

Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục nỗ lực xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông để tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực. Trong đó, ưu tiên phát triển Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ, nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành... Từ đó mang lại dịch vụ hậu cần tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất và mang lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư.

Sự phát triển cảng biển nói chung và Cái Mép - Thị Vải nói riêng cũng như dịch vụ hậu cần cảng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã đóng góp rất lớn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Qua đó, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, nâng cao năng lực, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đọc thêm