Ngày 29/11, tại Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Phát triển Du lịch ĐBSCL” với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL.
Nhân lực vừa yếu vừa thiếu thì sao làm du lịch
Du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đứng vào “top” các quốc gia tăng trưởng du lịch hàng đầu thế giới. Hằng loạt điểm đến và các sản phẩm du lịch của Việt Nam được vinh danh ở tầm thế giới, một số khu du lịch. ĐBSCL cũng góp phần trong thành công đó, nhưng dấu ấn có phần mờ nhạt, chưa tạo ra sự đột phá.
Trong những năm gần đây lượng khách du lịch đến ĐBSCL tăng đều hằng năm, tuy nhiên vẫn còn ít so với tiềm năng của vùng. Theo thống kê của Hiệp Hội Du Lịch ĐBSCL thì trong năm 2018 tổng số khách quốc tế đến ĐBSCL là 3,4 triệu lượt. trong khi đó chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đón được khoảng 7,5 triệu lượt. Chúng ta không thể so sánh với TP. Hồ Chí Minh tuy nhiên ở vị trí lân cận thì các tỉnh vẫn có khả năng tranh thủ nguồn khách rất lớn này.
Du khách tham quan bằng xuồng trong Khu di tích Xẻo Quýt – Đồng Tháp |
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch HHDLVN nhận định, ĐBSCL là một vùng đất giàu tài nguyên du lịch nhưng ở đây du lịch phát triển khá chậm, cả về lượng khách, về sản phẩm, nguồn nhân lực và cả công tác xúc tiến du lịch.
Theo ông Thọ, diễn đàn du lịch lần này sẽ phân tích, đánh giá những khó khăn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để kiến nghị Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ du lịch phát triển. Diễn đàn cũng là một cuộc đối thoại cao cấp giữa lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ngành và địa phương với doanh nghiệp du lịch nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các hoạt động Du lịch.
Nói về “cái khó” của du lịch đồng bằng, ông Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch thường trực HHDLVN cho biết, du lịch ĐBSCL còn trở ngại về nhiều hướng. Từ chính sách cho đến sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, khả năng liên kết vùng… đều còn nhiều hạn chế. “Sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút khách du lịch nhưng không được đầu tư đúng mức, sản phẩm du lịch ĐBSCL vẫn còn trùng lặp đơn điệu” nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Bình, các địa phương rất ít quan tâm đến xây dựng sản phẩm du lịch mà chủ yếu là do doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, 95% doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp nhỏ nên cũng “lực bất tòng tâm”. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ĐBSCL vừa yếu, vừa thiếu thì không thế nào phát triển du lịch được. Các sinh viên, lao động giỏi trong lĩnh vực du lịch lại có xu hướng chạy về TP Hồ Chí Minh làm việc. Cơ quan Nhà nước chưa có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân lực.
Các loại hình du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL rất thu hút du khách |
Tương tự, theo bà Võ Xuân Thư – Giám Đốc Khu Vực ĐBSCL Tập Đoàn Thiên Minh, lực lượng lao động có kỹ năng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch tại ĐBSCL.
“Được biết, Trường trung Cao Đẳng Nghề Du Lịch Cần Thơ là cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch duy nhất tại ĐBSCL. Lượng sinh viên được đào tạo hàng năm chỉ vào khoảng 350 - 400 sinh viên chính quy. Con số này khá nhỏ so với nhu cầu lao động trong ngành. Ngoài ra các trường như trong vùng hiện cũng có ngành đào tạo về du lịch nhưng số lượng còn rất ít”, bà Thư nói.
Trên thực tế thì các tỉnh miền Tây chưa được bao gồm trong chương trình tour chính thức của nhiều hãng lữ hành quốc tế mà vẫn nằm trong phần tour tùy chọn. Theo đó, tỉ lệ khách quốc tế lưu trú so với lượng khách đến còn thấp.
“Nhiều hãng lữ hành chỉ đưa miền Tây vào chương trình tour đi và về trong ngày. Trong 3,4 triệu lượt khách quốc tế đến ĐBSCL thì lượng khách lưu trú chỉ chiếm 1,6 triệu lượt (46%). Nếu trừ Phú Quốc, Kiên Giang (hơn 500,000 lượt) thì chỉ còn khoảng hơn 1 triệu lượt, chiếm trung bình khoảng 38% tổng số khách đến cho các tỉnh còn lại”, bà Thư phân tích.
Khai thác tiềm năng du lịch đồng bằng: Mỗi nơi một cách!
Trước thực trạng đó, các tỉnh, thành trong khu vực cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh du lịch địa phương.
Theo đó, ngành du lịch An Giang xác định phát huy tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước. Tỉnh đã chủ động đã liên kết hợp tác phát triển du lịch với 23 tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch trong cả nước.
Qua đó, ký kết nhiều hợp đồng giá trị kinh tế cao, tổ chức các đoàn famtrip nhằm quảng bá sản phẩm du lịch, giúp gia tăng lượng khách từ các tỉnh thành đã ký kết mà còn thu hút nguồn khách từ các tỉnh lân cận.
Du khách thích thú khi đứng trên lá sen khổng lồ ở Chùa Lá Sen |
Đối với TP Cần Thơ, tập trung khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, quan tâm hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi và đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”.
Ở một góc độ khác, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới nhận thức và tư duy trong toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân về phát triển du lịch, nhất là trong việc xác định du lịch trở thành một trong năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hành động với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.
Đồng thời, đầu tư phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm.
“Đặc biệt, Bạc Liêu quan tâm đến giải pháp đầu tư làm mới sản phẩm du lịch để có hướng đầu tư và khai thác nhằm tạo tiền đề liên kết hợp tác doanh nghiệp lữ hành trong cả nước như. Tập trung khai thác thêm những giá trị văn hóa đặc sắc để cộng hưởng tạo thành những sản phẩm du lịch mang tính định hình thương hiệu của riêng Bạc Liêu”, đại diện Sở Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết.
Chợ nổi Cái Răng là lựa chọn đầu tiên khi du khách đến với TP Cần Thơ |
Với lợi thế nhờ Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện phương châm “4C” trong phát triển du lịch, đó là: “Con người - Chiến lược - Cơ sở hạ tầng - Chuỗi kết nối du lịch”. Trong đó xác định con người là yếu tố đầu tiên, phải đảm bảo nguồn nhân lực du lịch giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hoá vùng miền và tấm lòng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ du khách. Từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị phát triển du lịch ĐBSCL theo hướng chất lượng, xanh, bền vững và thông minh trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế nhất là về sông nước, biển đảo, miệt vườn, di sản văn hóa, thiên nhiên và bản sắc con người miền Tây Nam Bộ; gắn phát triển du lịch với giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
“Đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch cả nội vùng và với các cùng khác trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, coi đây là khâu đột phá để đưa du lịch của vùng lên một tầm cao mới”, ông Sơn yêu cầu.