Cho ý kiến vào dự án Luật Du lịch (sửa đổi), sáng 19/9, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh cần tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhất là khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay.
“Dịch vụ du lịch Việt Nam còn kém lắm!”
Đồng tình với nhận định việc khai thác du lịch hiện nay chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, biển, rừng của chúng ta chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào khu vực, nhưng lượng khách đến ít, đến một lần rồi không trở lại. Luật này ra đời phải thúc đẩy du lịch phát triển tốt hơn, nâng cao chất lượng, theo hướng hiện đại, thu hút khách đến nhiều và khách quay trở lại.
Để làm được điều đó thì phải suy nghĩ và làm rõ những yếu kém là gì để từ đó tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển. “Hạ tầng du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch Việt Nam còn kém lắm. Đi nơi này nơi khác chính chúng ta thấy chưa hài lòng, nhất là nơi cộng đồng đông khách trong nước và nước ngoài tập trung đến thì chưa đảm bảo yêu cầu phát triển” – Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn; đồng thời nhấn mạnh phát triển du lịch không thể tách rời văn hoá mới thành công.
Chỉ rõ 3 “điểm nghẽn” là kết cấu hạ tầng du lịch, thể chế và nguồn nhân lực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm đến hạ tầng giao thông, trung tâm kết du lịch kết nối; đào tạo nguồn nhân lực và thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi.
Ông Thanh cũng đề xuất cần có cơ chế đặc thù trong quản lý di sản, phải có trách nhiệm cộng đồng tham gia bảo vệ. Cách đối xử với di sản cũng phải đặc biệt hơn chỗ khác, vừa bảo tồn nhưng vừa phát huy khai thác. Cứ giữ mà không khai thác thì lấy danh hiệu không làm gì, danh hiệu phải gắn với phát triển.
“Ở Quảng Ninh, khi HĐND đưa ra thời hạn cho tàu du lịch để đảm bảo an toàn hơn nhưng báo chí, chỗ này chỗ kia nói làm như thế là vi phạm pháp luật. Nhưng cứ để tiêu chuẩn an toàn như thế mấy hôm lại cháy tàu, chìm tàu. Cần cơ chế đặc thù chứ còn coi tàu du lịch như phương tiện bình thường rồi quy định như hiện tại thì sợ rằng không an toàn, ảnh hưởng đến môi trường an toàn du lịch” – ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.
Liên quan đến quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng thắc mắc: “Vai trò của HĐND – cơ quan dân cử không thấy chữ nào, trong khi các kế hoạch, chính sách, biện pháp phát triển du lịch địa phương rồi đảm bảo an toàn thế này kia đều phải thông qua Nghị quyết của HĐND. Nay ta nói chủ trương xã hội hoá nhưng vai trò Mặt trận, tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư thì cơ chế pháp lý không rõ thấy trong dự thảo”.
Một mình một chợ không thể cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sự phát triển du lịch không chỉ riêng một ngành làm được mà cần sự tham gia của rất nhiều mảng, bởi lĩnh vực này có tính tổng hợp, hội nhập cao. Do đó, phải phối hợp xử lý những vấn đề liên quan, ví dụ như quy định về thủ tục xuất nhập cảnh, cấp visa, thương quyền… để thu hút du khách.
Ông Định dẫn chứng trước đây khi có quy định mới về xuất nhập cảnh đã có trường hợp hàng nghìn người đi tàu biển vào rất vướng, mãi không làm được thủ tục. Visa các nước miễn rất nhiều còn ta thì mới miễn được mấy nước và thời gian ngắn… Những yếu tố đó đều ảnh hưởng chung tới ngành du lịch.
Liên quan đến quy định về hướng dẫn viên du lịch, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng quá chặt, không phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là trong điều kiện hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng.
“Theo tôi hiểu thì cả người trong nước và người nước ngoài đều có thể làm hướng dẫn viên du lịch. Hội nhập chính là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hiện kinh doanh khách sạn toàn hãng tên tuổi, hay lữ hành cũng không phải chỉ người Việt đưa được người Nhật, người Hàn đến mà cả đối tác. Một mình một chợ không thể cạnh tranh. Người nước ngoài vẫn được làm miễn đáp ứng yêu cầu, điều kiện, đóng thuế đầy đủ theo quy định...” – ông Hải nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng dẫn chứng thực tế ở Huế hay một số nơi có người nước ngoài sống lâu năm ở Việt Nam, gắn bó với Việt Nam thì việc họ đáp ứng yêu cầu để làm hướng dẫn viên du lịch cho khách đến từ các nước thì nên khuyến khích.
“Nên có quan điểm mở. Thu hút khách là điểm đến, là sản phẩm nhưng nói cho hay lại là hướng dẫn viên. Họ là cầu nối, để lại ấn tượng cho khách du lịch. Luật ràng quá chặt thì quản lý được nhưng không có sức cạnh tranh, khó thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch” – ông Nguyễn Đức Hải nói.