Sơn La hiện đã và đang trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, điển hình là phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Đến nay, địa phương đã có trên 84.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, với sản lượng gần 450.000 tấn; trong đó, có một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn…
Sơn La cũng được đánh giá là có tiềm năng phát triển dịch vụ logistic, tuy nhiên, các dịch vụ logistics trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản, đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định chất lượng… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Các chuyên gia trao đổi, tư vấn, hướng dẫn định hướng phát triển logistics. |
Theo thống kê, Sơn La hiện mới có 6 chi nhánh, đại lý của doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát; còn lại được chuyển phát theo hình thức ký gửi hàng đối với hệ thống xe khách. Toàn tỉnh cũng mới có 30 kho lạnh, với dung tích dưới 250 m3/kho, 12 container lạnh, 600 lò sấy hơi; 25 cơ sở được cấp mã đóng gói quả tươi xuất khẩu… Đáng nói, các sản phẩm nông sản của Sơn La được vận chuyển và thông quan xuất khẩu chủ yếu dưới hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch).
Tại Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tổ chức sáng nay, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh Sơn La đã trao đổi, thảo luận về định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics trên địa bàn thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng, hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại điện tử và dịch vụ kinh doanh, tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa...
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản tại Hội nghị. |
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương giới thiệu tổng quan về logistics: Hiện nay hạ tầng về logistics của Sơn La còn thiếu. Trước hết, chúng ta cần nâng cấp hạ tầng, nhất là giao thông, với việc thiết lập tuyến cao tốc từ Hòa Bình lên Mộc Châu, mở rộng những tuyến đường nội địa. Bên cạnh đó, với sản phẩm nông sản là sản phẩm đặc thù thì cần có yêu cầu về sơ chế, bảo quản. Vì vậy, tỉnh Sơn La rất cần thu hút nhà đầu tư để xây dựng các kho lạnh, kho mát, trung tâm sơ chế các sản phẩm nông sản trước khi đưa đi tiêu thụ tại các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu.
Sơn La đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tiêu biểu. |
Tại Hội nghị, các HTX, doanh nghiệp và chuyên gia cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản như: Việc đưa sản phẩm nông sản Sơn La lên các sàn thương mại điện tử, đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi giao cho khách hàng; cơ hội xuất khẩu nông sản của Sơn La thông qua đường sắt ra thị trường Trung Quốc; doanh nghiệp, những chi phí logistics có thể cắt giảm của HTX Sơn La.