Tham dự có Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều; Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ; Lãnh đạo UBND các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo các Viện, Trường, các diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước; các Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại diện các hộ nông dân…
Nhiều giải pháp cho sự phát triển bền vững mô hình lúa tôm
|
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp/lúa gạo dẫn tới tính dễ bị tổn thương của 17,3 triệu nông dân, chủ yếu là nông hộ nhỏ và người nghèo. Đặc biệt, với hình thức canh tác thuận tự nhiên, ít sử dụng hóa chất trong canh tác, với các giống tôm, giống lúa chất lượng cao sẽ tạo ra các sản phẩm lúa tôm cao cấp theo định hướng "lúa thơm - tôm sạch". Đó là tiền đề để các sản phẩm này tiếp cận với các thị trường cao cấp, qua đó nâng cao giá trị nông sản.
Thay mặt Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Đối với tỉnh Bạc Liêu có điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng, với 3 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt) nên Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển thủy sản nói riêng (thủy sản chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm 21% cơ cấu kinh tế của tỉnh). Đến nay, Bạc Liêu có trên 140.000 ha diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản, với nhiều loại hình sản xuất nuôi trồng đa dạng mang lại lợi ích kinh tế, giá trị sản xuất thủy sản cao, là nơi có sản lượng tôm nuôi đứng thứ 02 cả nước và là tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời với phát triển tôm, thì việc phát triển cây lúa, nhất là mô hình tôm - lúa đã và đang có nhiều bước tiến bộ rất tốt, mang lại hiệu quả cao nhờ vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học...). Mô hình tôm - lúa tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho ra sản phẩm an toàn đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay”.
|
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu Hội thảo. |
“Có thể nói mô hình tôm - lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, là mô hình "thông minh" tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với Quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó có thể khẳng định, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình “lúa thơm - tôm sạch” của tỉnh Bạc Liêu và của vùng ĐBSCL” - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Lan tỏa tinh thần thay đổi tư duy, thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có mô hình lúa thơm - tôm sạch
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe thảo luận của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX… từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng những hạn chế, tồn tại của mô hình trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
|
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung phát biểu Hội thảo. |
|
PGS.TS Dương Nhựt Long - Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) phát biểu Hội thảo. |
|
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua phát biểu Hội thảo. |
Theo PGS.TS Dương Nhựt Long - Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ): “Để khai thác tính hiệu quả của mô hình lúa thơm - tôm sạch, trên cơ sở nghiên cứu cải tiến và hoàn thiện qui trình kỹ thuật canh tác lúa tôm (từ khâu thiết kế cải tiến hệ thống sản xuất, kỹ thuật vận hành và quản lý chất lượng nước, chất lượng sản phẩm tôm nuôi) theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và phát triển bền vững mô hình. Sau cùng, con giống thả nuôi phải được kiểm dịch về chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ các cơ quan quản lý chuyên môn ở địa phương.
Đẩy manh ứng dụng công nghệ IoT và mạng cảm biến vào việc đo đạc, giám sát các yếu tố môi trường nước vùng nuôi như: nhiệt độ nước, pH, hàm lượng DO, hàm lượng amonium, độ kiềm, cùng quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm…. giúp nông dân sản xuất chủ động giám sát và quản lý tốt điều kiện môi trường vùng sản xuất và chất lượng sản phẩm.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu Kết luận Hội thảo. |
Phát biểu Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Hội thảo hôm nay sẽ gợi mở cho chúng ta tư duy, tư tưởng về phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái, tích hợp đa giá trị. Đồng thời, cho ĐBSCL một hướng đi mới, cũng như phát huy được tài nguyên bản địa và điều kiện thiên nhiên của vùng và tạo ra giá trị thặng dư cao hơn.
“Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta lan tỏa tư tưởng chỉ đạo đó, lan tỏa tinh thần thay đổi tư duy, thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có nhưng mô hình như lúa thơm - tôm sạch…” – Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
|
Biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác phát triển mô hình lúa – tôm Vùng ĐBSCL giữa Báo Tuổi Trẻ; Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT); Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT); Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT (Bộ NN&PTNT); Cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT); Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và AHLĐ Hồ Quang Cua. |
Sau Hội thảo này, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết, đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của mô hình, tháo gỡ những “nút thắt”, những điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản; phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.