Phép thử của… lòng nhân

(PLVN) - Cháy rừng, động đất, dịch bệnh... xảy ra gần như cùng một lúc. Điều gì đang thật sự diễn ra với nhân loại? Liệu chúng ta có thể nhìn thấy thông điệp mà vũ trụ gửi đến chúng ta và thức tỉnh... Tất cả tưởng như chỉ có trong thế giới giả tưởng đều đang có thực trong cuộc đời…

“Một bước nhỏ thôi: Hãy tin tưởng anh!”

Dan Brown là một nhà văn Mỹ, nổi tiếng với tác phẩm bán chạy và gây tranh cãi như “Pháo đài số”, “Thiên thần và ác quỷ”, “Mật mã Da Vinci”… và  tác phẩm “Hỏa ngục”, vô cùng kịch tính và thú vị, làm say lòng độc giả bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, lịch sử và văn học kinh điển Ý, đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm về khoa học trong tương lai. Tác phẩm này cũng đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên công chiếu tháng 10/2016, mang lại nhiều thành công vang dội.

“Hỏa ngục” đưa ra một vấn đề khá nhức nhối của nhân loại, đó chính là sự gia tăng đột ngột dân số toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện nay thì đến năm 2050, dân số thế giới sẽ chạm mốc 9 tỷ rưỡi. Nhân vật phản diện của câu chuyện đã lo ngại về tương lai xa như thế mà đã hao tổn công sức để có thể đưa ra phương án ngăn chặn.

Thậm chí phương án đó có dã man và vô nhân tính đến thế nào đi chăng nữa. Và một biện pháp hiệu quả hơn mà tên Zobrist suy nghĩ là tạo ra loài virus gây vô sinh cho một nhóm người trên thế giới. Cụ thể là 1/3 dân số thế giới để họ không còn khả năng sinh sản và kiểm soát, khống chế dân số thế giới ở mức ổn định.

Tài tử Tom Han trong phim “Hỏa ngục” - chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi thế giới. Ảnh minh họa
Tài tử Tom Han trong phim “Hỏa ngục” - chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi thế giới. Ảnh minh họa 

Ở “Hỏa ngục”, không chỉ tương lai mà những bí mật từ xa xưa lần lượt được khám phá trong hành trình tìm kiếm một cách tình cờ và luôn gây bất ngờ của vị giáo sư Trường Harvard-Robert Langdon và nữ bác sĩ trẻ Sienna Brooks.

Tỉnh dậy trong một bệnh viện với một vết thương ở đầu và bị mất trí nhớ về vài ngày vừa qua. Từ đó Giáo sư Langdon tiếp tục bị vướng vào việc giải đáp chuỗi mật mã do một nhà khoa học tài ba tạo nên. Cùng đó là nỗi ám ảnh về sự diệt vong của thế giới: “Sự thật chỉ có thể được nhìn thấy qua cặp mắt của cái chết”.

Trong hành trình chạy đua với 24 giờ qua những địa danh không phai màu bởi thời gian như “cung điện Vecchio”, “vườn Boboli” và “Bảo tàng Duomo”, Langdon cùng Brooks đã phát hiện ra một mạng lưới ngõ ngách và những bí mật cổ xưa cũng như mô hình khoa học mới đáng kinh ngạc, sẽ được sử dụng để nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống trên trái đất hoặc ngược lại chính là để hủy hoại nó.

Không có mưu đồ cá nhân, không phục vụ cho âm mưu thâm độc của một tổ chức bí mật nào, mọi nhân vật trong “Hỏa ngục” của Dan Brown truy lùng, rượt đuổi nhau vì một lý do duy nhất: “Cứu rỗi loài người khỏi sự diệt vong”. Trong cuộc đua đầy kịch tính ấy, Dan Brown hoàn thành bức tranh tuyệt tác của mình bằng một “sợi chỉ đỏ” mỏng manh nhưng vô cùng mạnh mẽ, đó là tình yêu.

Tình yêu! Chính nó là thứ dẫn dắt ta và liên kết mọi thứ trong cuộc phiêu lưu này! Tình yêu gây ra mọi điều và tình yêu cũng cứu chữa mọi điều. Nếu tình yêu của Sienna dành cho Langdon là kiểu tình cảm gắn bó xuất hiện khi đồng cam cộng khổ, khi cận kề cái chết, thì tận sâu thẳm trong tim, cô gái có chỉ số IQ đáng kinh ngạc này vẫn còn cất giữ một tình yêu thiêng liêng khác: Tình yêu bắt nguồn từ lý tưởng với Bertrand Zobrist.

Tình yêu khiến Sienna sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để che giấu Zobrist khỏi sự kiếm tìm của cả thế giới. Nhưng cũng chính tình yêu mới chớm với Langdon khiến cô quay lại, đối mặt với những chất vấn của WHO, cũng như dừng cuộc trốn chạy đã theo cô suốt cuộc đời mình. Một tình yêu mà Dan Brown chỉ cần gói gọn trong vài từ: “Mình nằm dài ở đó, đăm đăm nhìn qua cửa sổ ra màn đêm gió tuyết, mình biết mình sẽ theo người đàn ông này tới bất kỳ đâu”.

Tình yêu của Zobrist cho Sienna tìm thấy lẽ sống, nhưng Langdon lại là người cho cô cái cảm giác bình yên thân thuộc, cho cô cảm giác được sống như một người bình thường. Những khoảnh khắc sinh tử họ trải qua cùng nhau, sự thương cảm xót lòng của vị giáo sư khi biết Sienna vốn không phải người như anh vẫn nghĩ. Cái niềm tin lạ lùng họ trao nhau dù vẫn là hai người xa lạ, trong lòng cô gái thiên tài một sự khao khát bình yên, sự khao khát dừng mọi cuộc đua tranh này lại để sống như một người thường.

Và ấn tượng sâu sắc nhất, ấy là khoảnh khắc Sienna quay đầu chiếc xuồng máy vốn đã có thể đưa cô trốn thoát khỏi sự truy lùng của WHO, ngước đôi mắt đẫm lệ lên nhìn Langdon và thổn thức: “Robert, em không thể chạy trốn được nữa. Em chẳng có chỗ nào để đi cả”! Con người ta dù đi đến bất kỳ đâu cũng chỉ mong có một nơi để trở về.  Sẽ có người khiến ta muốn đi xa, nhưng cũng sẽ có người khiến ta khao khát được dừng lại, vì một chốn ấm êm được gọi là “nhà”.

Cuối cùng, cũng đã có ít nhất một người đàn ông trên thế giới này nhìn cô không phải với chỉ số IQ cao ngất, mà như một cô gái bình thường, biết cô đơn và khao khát được yêu thương. Một người đàn ông đã nói với cô, điều mà bất kỳ cô gái nào trên thế giới cũng muốn nghe: “Em hãy bắt đầu từ điều nhỏ thôi. Một bước đầu tiên đơn giản. Hãy tin tưởng anh”…

“Chúng đáng sợ, vì không khác gì đời thực cả”!

Và tất cả cảnh báo toàn cầu về những dịch bệnh do thiên nhiên và cả do nhân tạo có thể hủy diệt nhân loại, hủy diệt sự sống trên trái đất đã luôn là nỗi ám ảnh các nhà làm phim.

Xem Train to Busan (Chuyến tàu tớ Busan) trong thời buổi dịch bệnh, virus, khủng bố... đang đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới, là câu chuyện về một xã hội mà con người bị nhiễm “virus” vô hồn, vô cảm. Lúc đó, nếu không phải robot thì những “xác chết biết đi” sẽ đối mặt với con người…

Phim không chỉ là trận chiến chống lại đám xác sống điên dại, mà còn là trận chiến giữa chính người với người. Khi thảm họa xảy ra, bản chất con người mới được bộc lộ rõ ràng. 

Và rồi giữa những khoảnh khắc sinh tử, Train to Busan còn là những cảm xúc bi thương, khi các nhân vật lần lượt ngã xuống trong trận chiến sinh tồn. Những sự hy sinh đó có thể là để bảo vệ người khác, cũng có thể là để bảo vệ niềm tin hay nhân tính của bản thân. Seok Woo, từ một người cha vô tâm, có phần ích kỷ, nay trở thành người có trách nhiệm và đáng tin cậy khi tử thần cận kề. 

Ở phim “The Flu” (Dịch cúm) - 2013, đạo diễn Kim Sung-soo, kể về sự bùng phát của một chủng H5N1 gây chết người trong vòng 36 giờ, ném quận Bundang và Seongnam, ngoại ô Seoul, Hàn Quốc, nơi có dân số gần một nửa triệu người, thành hỗn loạn. Dịch bệnh khủng khiếp này bắt nguồn từ một nhóm người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc. Người duy nhất sống sót là tác nhân khiến dịch bệnh lây lan một cách nhanh chóng và vô cùng đáng sợ.

Cảnh trong phim “The Flu”
Cảnh trong phim “The Flu” 

Với tỉ lệ lên tới 2.000 ca nhiễm mỗi giờ cùng với những ca tử vong liên tiếp của các nạn nhân 36 tiếng đồng hồ sau khi mắc bệnh, đại dịch này đã đẩy cả thành phố vào một tình trạng hoang mang tột độ. Để đề phòng căn bệnh lây sang các khu vực khác, thành phố với nửa triệu người, cách Seoul 19km có nguy cơ buộc phải bị chính phủ tiêu hủy.

Những phim thể loại này đều mang thông điệp cảnh báo toàn cầu về những dịch bệnh do thiên nhiên và cả do nhân tạo có thể hủy diệt nhân loại, hủy diệt sự sống trên trái đất. Đồng thời cũng thể hiện sự hy sinh cao cả của những con người quyết tìm cách đối phó để thoát ra khỏi dịch bệnh…

Trong The Flu, một bệnh nhân phẫn nộ và tuyệt vọng vì bị cách ly và bỏ đói, đã giằng co với một cảnh sát khiến mũ bảo hộ của anh ta rơi ra, rồi ấn mặt viên cảnh sát xuống bãi máu do chính bệnh nhân đó vừa nôn ra để truyền bệnh cho anh ta. “Những bộ phim này đáng sợ không chỉ vì hình ảnh và tình tiết. Chúng đáng sợ vì chúng chẳng khác gì đời thực cả”.

Khi một dịch bệnh đạt mức độ hủy diệt cao nhất, con người đối diện với câu hỏi: “Liệu chúng ta là sinh vật bậc cao với trí tuệ cao siêu hay cũng chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi có sinh mệnh phụ thuộc vào sự sắp đặt của vũ trụ”?

Nếu những bộ phim về dịch cúm dừng lại mức “thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế” cho nhiều quốc gia thì Children of men nâng mức độ thảm họa lên cao hơn khi hình dung ra một dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại: dịch vô sinh. 

Trong hầu hết phim đều có những chính khách bưng bít thông tin về dịch bệnh, vì lo cho sinh mệnh chính trị của bản thân. Có những bác sĩ bị bịt miệng dù muốn cảnh báo cộng đồng, có những hãng dược ém thuốc để tạo ra cơn sốt ảo nhằm thu tiền tỉ, có những blogger tung tin giả để kiếm tiền dựa trên nỗi sợ hãi… Có lúc, những kẻ đó thắng thế trước những con người đại diện cho tri thức và lòng trắc ẩn, khiến phim chìm vào bi quan và tuyệt vọng.

Children of men của đạo diễn Alfonso Cuarón khái quát thứ đáng sợ nhất ở các dịch bệnh, chính là tước đi niềm hy vọng của con người. Và khi đó, chỉ có lòng nhân ái mới mang lại cho chúng ta khát vọng, như tiếng cười ngây thơ của đứa trẻ vang lên lúc cuối phim. Như vị tổng thống trong The flu đã phải đấu tranh không khoan nhượng để cứu người dân ở quận Bundang.

Đó là khi các nhân viên cứu hộ và y tế hy sinh thân mình, ở lại vùng dịch để cứu chữa và giúp đỡ người bệnh, dù công việc vô cùng khó khăn, gian khổ. Đó là khi con người nhường nhau miếng ăn, không gian sinh hoạt, hay bảo vệ lẫn nhau dù chính tính mạng của họ cũng bị đe dọa. Không chỉ là nhường nhịn khẩu trang hay chai nước rửa tay, khi đứng trước nghịch cảnh, sự hy sinh của con người trở nên lớn lao và cao đẹp hơn rất nhiều…

Và khi chúng ta đang trong cơn lốc cố gắng theo đuổi các thứ bề ngoài nhưng giờ đây, khi ai ai cũng phải mang khẩu trang và đều bình đẳng trước cái chết. Những điều mà bình thường ai cũng tin tưởng nó sẽ đem lại hạnh phúc, như nhà lầu, xe hơi, đất đai, tiền bạc… giờ đây đâu còn ý nghĩa gì trước một con virus vô hình.

Đọc thêm