Phía sau con chữ

(PLVN) - Trong bời bời dòng chảy cuộc sống, mỗi con người đều được neo lại với một công việc, cùng chức phận mình. Tôi theo và dấn thân với nghề báo, thấm đủ nhọc nhằn và vinh quang, song ai đó hỏi có muốn đổi việc khác, tôi sẽ không mảy may suy nghĩ và trả lời rằng: “Không làm báo thì tôi không biết làm gì cả”. 

Với nhà báo dấn thân vốn chẳng ngại ngùng vất vả và lung lay với những lời thỏa hiệp của cái sai, thì đều trả lời như vậy. Không phải tôi chọn báo hay báo chọn tôi, mà chúng tôi chọn nhau, cùng đưa nhau đi lên. Tôi trăn trở cùng con chữ và con chữ tôn vinh tôi bằng mỗi bước trưởng thành, mỗi lần đứng lên bục nhận giải thưởng.

Cho đến lúc này, gần hai mươi năm ăn, ngủ cùng con chữ, với nỗi day trở nóng rẫy trong việc viết, rồi hồi hộp chờ đợi bài xuất hiện trên mặt báo, bao giờ trong tôi cũng có được sự mới mẻ khi nghĩ về nghề.

Chẳng phải sau khi con chữ đã quyện cùng nỗi trăn trở, từng hàng được gói nỗi suy tư, tác giả đã có thể an tâm. Phải sau khi báo ra, tươi nguyên, trọn vẹn từng tác phẩm, đến tay bạn đọc, công việc của người làng báo mới tạm ngơi, để tiếp tục tư duy đề tài khác.

 

Suốt quãng thời gian qua, càng viết tôi càng thấy thiếu. Càng làm càng thấy bể rộng cuộc đời cùng những khắc khoải của muôn vạn đề tài luôn chảy ra như nguồn suối không bao giờ cạn. Chẳng ai khẳng định đã đi đến tận cùng nghề báo.

Ngay cả những nhà báo gần như cả đời làm báo lên rừng, xuống biển, lăn xả nơi hang cùng, ngõ hẻm của cuộc sống, cưỡi biết bao ngọn núi, chinh phục hàng trăm con đèo cũng không nói là đã đi hết ngóc ngách của nghề. Nhưng anh ta tự hào đã nuôi được cảm xúc, nuôi được đam mê.

Điều quan trọng nhất của nhà báo chân chính là không bao giờ để lửa đam mê lụi tắt. Người làm báo giỏi luôn biết cách nuôi đam mê để xoắn quyện cùng cảm xúc, cho mỗi chuyến đi lúc nào cũng hừng hực sự chinh phục và dấn thân. Ngày qua ngày đều muốn viết nữa. Viết như chưa bao giờ muốn dừng lại. Mỗi bài viết là một hành trình khám phá bản thân. Mỗi chuyến đi là một cơ hội để bồi lắng thêm nhiệt huyết, lòng yêu đời, yêu người. Cây đã biếc như vặn mình để biếc.

Cuộc đời này chẳng thiếu nhà báo nay đây, mai đó, thích khám phá, làm phóng sự. Các anh chia sẻ rằng, mỗi chuyến đi của mình đều làm vơi đi thời gian ở bên gia đình, vợ con. Bù lại các anh được thỏa sức làm tốt trong từng trang viết, dòng tin, tận tâm với nhân vật, hoàn cảnh, sự kiện. Viết để làm cuộc sống này đẹp hơn, để vinh danh những giá trị nhân văn vẫn được tiếp diễn, nối dài, nhân lên trong cuộc đời. 

Lại nói, bất kể thứ nghề nào, không ai khẳng định mình đã đến tận cùng của nghề. Nhưng con người có thể đi đến tận cùng đam mê, nhiệt tình trong từng khoảnh khắc sống. Còn làm nghề báo là con chữ còn rung động, nảy nở, tiếp nối, chữ này đẻ ra chữ kia, ý này sinh ra ý khác.

Con chữ sinh ra từ cuộc sống. Con chữ song hành cùng cuộc sống là con chữ có hồn, được thấm đẫm mồ hôi, tâm sức của người viết. Khi anh bênh vực một bà cụ bị oan sai, anh nhận về lời cảm ơn. Khi anh giúp những đứa trẻ vùng cao được đến trường, anh nhận thấy nụ cười thơ trẻ của chúng hiển thị trên gương mặt.

Những ngày tháng qua, chúng ta được biết bao tấm gương nhà báo bám địa bàn, dấn thân vào những vùng tâm điểm của dịch bệnh, ghi lại những khoảnh khắc các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, y tá… chung tay, chung lòng kiểm soát, đẩy lùi đại dịch Covid-19, trực tiếp điều trị cho người đã mắc.

Bao câu chuyện xúc động, bao dòng nước mắt nghẹn ngào vì cảm thương và tự hào được chuyển tải. Nhờ thế các nhà báo đã có được những bài viết sinh động, đi vào lòng công chúng. Đó cũng là thời gian nhiều nhà báo bước khỏi vùng an toàn của nghề nghiệp.

Làm sao có thể quên được, trong lịch sử báo chí Việt Nam đã có nhiều tấm gương nhà báo xả thân vì sự nghiệp. Không ít nhà báo chiến sĩ tác nghiệp ở nơi chiến trường ác liệt, phản ánh cuộc kháng chiến giữ nước chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc ta. Có những người đã vĩnh viễn nằm xuống vì Tổ quốc.

Làm sao có thể quên được, nhiều nhà báo dấn thân, theo đuổi những đề tài khó, làm vệt bài điều tra đằng đẵng hàng tháng rồi để đưa nhiều sự thật khuất lấp ra ánh sáng. Trong đó nhiều vụ việc tiêu cực mà trong tầng tầng lớp lớp quan hệ xã hội, lợi ích người ta cố tình che đậy. Nhờ thế cái đúng đã được thực thi, các ác bị trừng trị, cái xấu bị lên án.

Ở thời hiện đại, cuộc sống yên bình, nhưng trong ngõ ngách vẫn có nhiều tiêu cực mà nhà báo cần hy sinh cái riêng để bảo toàn đạo đức của nghề. Ở thời hiện đại càng biết lắc đầu trước cám dỗ, tiên phong phản ánh vấn đề đời sống dân sinh, cuộc đấu tranh thiện ác, chống lại cái xấu và viết lên vẻ đẹp của con người. 

Sẽ có lúc, nhà báo tự hỏi mình đã làm được gì cho cuộc sống. Câu hỏi thật khó trả lời. Nhưng từ trong tận cùng cống hiến, tận cùng đam mê, chúng ta vui khi con chữ động cựa chất đời, chất sống và có giá trị tôn bồi, làm cuộc đời đẹp hơn. Sẽ lắng đọng lắm những nụ cười hạnh phúc, sáng ngời tinh thần quả cảm.

Đọc thêm