Đi cùng đoàn có các vị lãnh đạo tỉnh Bình Định: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ -Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao của chí sĩ Tăng Bạt Hổ.
Phó Chủ tịch nước tặng quà cho Ban Quản lý Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ. |
Tặng quà cho Ban Quản lý Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên đền thờ trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những di sản của chí sĩ Tăng Bạt Hổ để lại và nêu bật tầm quan trọng của đền thờ. Đồng thời, mong các cán bộ, nhân viên nơi đây tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tích đạt được, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác.
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ.
Phó Chủ tịch nước trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ. |
Chí sĩ Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906), tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, là một người Việt Nam nổi tiếng yêu nước hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Tăng Bạt Hổ cùng với Phạm Toàn chiêu mộ binh lính, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp tại vùng núi ở huyện Hoài Ân quê hương ông, là một vùng rừng núi có địa thế hiểm trở...
Phó Chủ tịch nước cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ. |
Tăng Bạt Hổ là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trao Đông Du. Năm 1906, trên đường từ Nam ra Thừa Thiên - Huế, ông lâm bệnh nặng rồi mất trên một chiếc thuyền trên sông Hương. Mộ phần của ông hiện nằm ở Bến Ngự (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ngay trong khuôn viên vườn nhà và mộ phần chí sĩ Phan Bội Châu.
Được xây dựng vào năm 2001, Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ (thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) là công trình nhằm ghi nhận công lao của chí sĩ Tăng Bạt Hổ với dân tộc và quê hương Việt Nam. Năm 2013, đền thờ được nâng cấp, sửa chữa và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.