Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Cán bộ phải chia sẻ khó khăn với đồng bào

(PLVN) -Chiều ngày 29/11, Đoàn công tác của Quốc hội do bà Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban thường vụ (BTV) tỉnh uỷ Đắk Lắk về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 và quán triệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
 Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh Tự Lập

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đã trình bày báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Cụ thể, kinh tế Đắk Lắk tăng trưởng 9,23%, thu ngân sách đạt gần 7.000 tỷ đồng. Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu còn lại cơ bản đạt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,35%, trong đó, số hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố và giữ vững ổn định. Các cơ quan chức năng chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch…

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc cho biết, với 89,44% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội ban hành một nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao tất cả các ý kiến từ phía trung ương và địa phương.

 Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Ảnh Tự Lập

Nhận thấy, Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên, với hơn 1,8 triệu người, 49 dân tộc cùng sinh sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,6%). Việc Quốc hội chọn tỉnh Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên để triển khai đề án với khẳng định Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào các dân tộc Đắk Lắk làm được thì các địa phương khác trên cả nước chắc chắn sẽ làm được.

Để đề án sớm đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, phục vụ cho phát triển sản xuất; Đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời coi trọng mục tiêu: Phát triển kinh tế phải đi đôi với việc thực hiện các vấn đề xã hội công bằng, tiến bộ, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững không gian văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Thủ tướng phải luôn luôn đổi mới sáng tạo, cập nhật những thông tin mới những thế hệ thiết bị mới nhất mà không ảnh hưởng đến môi trường mà nâng cao giá trị. Hơn nữa, không được trông chờ ỷ lại, phải cố gắng tự lực, tự cường. Mỗi huyện đổi mới một chút, mỗi đơn vị đổi mới một chút. Khi cải cách hành chính được nâng cao chất lượng thì chắc chắn chúng ta sẽ gần với dân hơn, công khai minh bạch hơn, hạn chế được những tiêu cực, phòng ngừa sai phạm trong Đảng, chống lãng phí, chống tham ô, tham nhũng”./.

Đọc thêm