Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức: Tình hình dịch bệnh tại thành phố đã được kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiều qua (12/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM làm việc với HĐND, UBND TP HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách TP năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức báo cáo tại cuộc giám sát.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức báo cáo tại cuộc giám sát.

Số ca mắc mới trung bình mỗi ngày giảm 5 lần

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết sau hơn 10 ngày nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày tại TP giảm 5 lần so với trước đây. Số ca tử vong giảm về 2 con số, ngày 11/10 là 64 ca, không còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện điều trị COVID-19. Những điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại TP đã được kiểm soát.

TP đánh giá thời gian qua, địa phương đã làm tốt một số công việc như tiêm vaccine, đến nay trên 98% dân số 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, trên 72% được tiêm mũi 2; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Về mặt hạn chế, ông Đức nhận định thời gian đầu dịch bùng phát, việc giãn cách xã hội toàn TP có lúc, có nơi chưa triệt để; còn một bộ phận người dân chưa ý thức, lơ là, chủ quan; một số ca nhiễm chưa phát hiện kịp thời, chậm chuyển viện điều trị dẫn đến chuyển nặng, tử vong; bố trí và điều phối nhân lực chưa hợp lý.

Sự chênh lệch giữa số vùng đỏ, vùng cam và dân số giữa các địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm cũng như việc đồng bộ kết quả.

Về xét nghiệm cho người lao động, ông Đức cho biết Bộ Y tế đã có Công văn 8228 về hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định xét nghiệm đối với nhiều nhóm đối tượng khác (như shipper…) nên công tác quản lý bị ảnh hưởng.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong quý 3, giảm 24,39% so với cùng kỳ.

Do đó, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ. TP dự báo GRDP cả năm 2021 sẽ giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu đề ra.

Lãnh đạo TP nhìn nhận điểm sáng đáng ghi nhận là dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành.

Cụ thể là tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Các dịch vụ ngân hàng duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước đạt 3.045.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020. Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TP ước đạt 16,215 tỷ USD, tăng 12,51% so với cùng kỳ...

TP làm gì để bổ sung cân đối ngân sách 2021?

Về ngân sách, TP cho biết do dịch bệnh, thu ngân sách giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu kinh phí phục vụ phòng chống dịch tạo áp lực lớn. Do đó, TP phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước.

Một số giải pháp đã được triển khai thời gian qua như điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nguồn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; cắt giảm kinh phí một số nội dung; đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Để bổ sung cân đối ngân sách 2021, TP dự kiến khai thác nguồn thu từ đất; tăng biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ với các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và khoản thu liên quan về đất.

Về chi ngân sách, TP sẽ giảm 10% chi thường xuyên, giảm hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức... TP sẽ chủ động cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao.

Nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, TP kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.

Cụ thể, TP đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về làm tại cơ sở.

TP cũng kiến nghị mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.

Để tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách TP giai đoạn 2022-2025.

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại do tác động của đại dịch COVID-19, TP kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Đức, dịch bệnh khiến thu ngân sách của TP giảm dần từ tháng 5, 6 và giảm mạnh trong tháng 8, 9. Chín tháng đầu năm, TP HCM thu ngân sách hơn 271.600 tỷ đồng, đạt gần 75% dự toán. Bên cạnh đó, nhu cầu kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người dân phát sinh tăng cao và cấp bách, tạo áp lực lớn đến khả năng cân đối ngân sách của TP. Đến thời điểm hiện nay, TP cân đối và bổ sung cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện các chính sách hỗ trợ ở địa bàn trên 11.000 tỷ đồng.

Theo ông Đức, TP HCM phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước; triển khai một số giải pháp như điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nguồn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; cắt giảm kinh phí một số nội dung; đề xuất trung ương hỗ trợ ngân sách.

Đọc thêm