Phong Điền: Phát huy tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Huyện Phong Điền đang tập trung triển khai các nội dung của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng Phong Điền đạt các tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thi xã trong năm 2024, góp phần đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trục đường trung tâm huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trục đường trung tâm huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều đó được xác định rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khoá XVI về xây dựng, phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong tuyến hành lang kinh tế từ Đông - Tây, đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) và La Sơn (Thừa Thiên Huế) ngang qua địa bàn huyện Phong Điền đã được khởi công xây dựng đang tạo điều kiện cho Phong Điền có điều kiện khá thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế với các huyện lân cận và với cả nước.

Suối khoáng nóng Thanh Tân (huyện Phong Điền) là một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Huế.

Suối khoáng nóng Thanh Tân (huyện Phong Điền) là một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Huế.

Đặc biệt, huyện Phong Điền được xác định có thế mạnh về du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng như Suối nước khoáng nóng Thanh Tân, làng cổ Phước Tích, hồ Quao, Khe Me, thác A Đon, Thượng nguồn Ô Lâu; các di tích lịch sử như: Chiến khu Hòa Mỹ, dốc Ba Trục… Phong Điền được xem là cái nôi phát tích của nhiều làng nghề truyền thống, như nghề kim hoàn, nghề rèn, nghề gốm là nơi còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng của văn hóa Huế, với nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và những lễ hội văn hóa dân gian phi vật thể được lưu truyền cho đến ngày nay như: múa Náp, múa Thiên Hạ Thái Bình, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội “Hương xưa làng cổ”…

Hệ thống các bàu, trằm nước ngọt như Bàu Bàn, Bàu Thiềm được bao quanh bởi các trảng cát, các dải rừng ngập nước, liên kết bởi hệ thống sông Ô Lâu và phá Tam Giang như một hệ sinh thái ngập nước khá điển hình ở duyên hải miền Trung tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo và hệ thống thực vật đa dạng và phong phú, việc hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông Bắc kết hợp với khu vực phía Đông tỉnh Thừa Thiên Huế để hình thành tuyến du lịch ven biển, rất thuận lợi trong việc kết nối các điểm, tour, tuyến du lịch khác trong và ngoài địa phương như: Làng cổ Phước Tích, khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, làng mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, gốm Phước Tích, các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn… kết hợp với các hoạt động du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế và các vùng phụ cận theo mô hình sinh thái, nghỉ dưỡng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tạo lợi thế và động lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn” được UBND tỉnh ban hành đầu tháng 7/2021 cũng xác định, làng cổ Phước Tích sẽ phải phát huy vai trò hơn nữa trong bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn… hướng đến phát triển du lịch hiệu quả.

Làng cổ Phước Tích nằm bên cạnh dòng sông Ô Lâu.
Làng cổ Phước Tích nằm bên cạnh dòng sông Ô Lâu.

Hiện làng cổ Phước Tích đã triển khai được 9 loại dịch vụ gồm: Tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch; được sở Du lịch, sở Thông tin và Truyền thông chọn thực hiện thí điểm mô hình du lịch thông minh, hoàn thành xây dựng bản đồ 3D, thực tế ảo (VR) toàn làng cổ, thuyết minh tự động, bản đồ thông minh…. Bên cạnh đó, làng cổ Phước Tích hiện có 11 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay.

Ngoài ra, bước chuyển mình đầu tiên của du lịch Phong Điền trong kế hoạch phát triển gắn với Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, là vào tháng 4/2021, suối Hầm Heo, thượng nguồn sông Ô Lâu đã được công nhận là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sau khi hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu.

Xác định tiềm năng lợi thế du lịch sinh thái vùng chiến khu Hòa Mỹ xã Phong Mỹ, năm 2020, UBND huyện Phong Điền đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng các hạng mục tại điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) từ đó góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương nơi đây.

Suối Hầm Heo ở bản Khe Trăn (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền).

Suối Hầm Heo ở bản Khe Trăn (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền).

Hiện nay, UBND huyện Phong Điền đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 cho điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 3 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và huy động hợp pháp khác hơn 1 tỷ đồng). Điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) sẽ là nơi kết nối các điểm du lịch suối như A Đon, Khe Me... và các điểm di tích lịch sử chiến khu xưa như Bia di tích đoạn cuối đường 71, Nhà Đại chúng, Đình làng Lưu Phước, Bia chiến thắng Đồn Đất Đỏ sẽ tạo nên một chuỗi giá trị về tiềm năng du lịch sinh thái gắn với lịch sử cách mạng của xã Phong Mỹ. Nhờ tiềm năng phát triển vô cùng lớn mà xã Phong Mỹ hiện đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này.

Nhằm tiếp tục khai thác các giá trị du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn xã Phong Mỹ, UBND huyện Phong Điền sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh để thu hút khách tham quan, trải nghiệm, khám phá. Tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ cũng như nâng cao đội ngũ làm công tác quản lý, bảo vệ, hướng dẫn viên làm công tác du lịch; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sinh thái và giữ gìn cảnh quan góp phần thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Phong Mỹ.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Trong năm 2022, huyện Phong Điền tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cao các tiêu chí đô thị loại IV, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và ưu tiên nguồn lực địa phương để đẩy mạnh chỉnh trang khu trung tâm đô thị các xã định hướng thành phường: Thị trấn Phong Điền - Phong Thu, Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa, Điền Lộc - Điền Hòa, Điền Hải - Phong Hải. Tập trung thu hút đầu tư các dự án trọng điểm; các dự án đầu tư hạ tầng giao thông… góp phần nâng cao mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường và tiêu chí đô thị loại IV toàn huyện.

Trên cơ sở lựa chọn mô hình phát triển, phù hợp với điều kiện địa hình và thực trạng địa phương, Phong Điền định hướng phát triển theo chuỗi đô thị từ đông sang tây. Lấy 4 trục đường đi qua huyện nằm song song nhau làm động lực là đường cao tốc, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B, đường ven biển. Bốn trục đường này được kết nối bằng tuyến đường “huyết mạch” là Tỉnh lộ 9. Đây sẽ là tuyến đường giao thông quan trọng kết nối nhanh từ điểm xuống cao tốc ở xã Phong Mỹ, ra đến cảng biển ở xã Điền Lộc, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi; công nghiệp, nông nghiệp, du lịch đều có cơ hội phát triển.

Hiện nay, huyện Phong Điền vẫn đang tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư bằng cơ chế, chính sách, huyện đang tiến hành lập quy hoạch một loạt dự án, điểm đến để thu hút đầu tư.

Hiện nay, huyện Phong Điền vẫn đang tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư bằng cơ chế, chính sách, huyện đang tiến hành lập quy hoạch một loạt dự án, điểm đến để thu hút đầu tư.

Ngoài ra, các đô thị mới được hình thành trên trục đường huyết mạch này sau đó mở rộng ra các đô thị vùng ven. Khu vực thị trấn Phong Điền, các xã Phong An, Phong Thu, Phong Hiền, sẽ được đầu tư phát triển thành điểm đô thị trung tâm với chức năng là trung tâm hành chính - kinh tế - chính trị, kết hợp với khu công nghiệp tập trung công nghệ cao với lợi thế về vị trí giao thông thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật đầu tư đồng bộ.

Đối với khu vực cửa ngõ phía Tây Nam sẽ phát triển trở thành một trung tâm đô thị mới với lợi thế kết hợp điểm xuống cao tốc Bắc - Nam và đẩy mạnh tiềm năng khu vực đồi núi, vùng bảo tồn thiên nhiên, phát triển lâm nghiệp và du lịch. Riêng khu vực phía Đông Bắc, ở xã Điền Lộc và các xã ven biển, đầm phá phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển, dịch vụ và du lịch sinh thái và kinh tế cảng biển.

Hiện nay, huyện Phong Điền vẫn đang tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư bằng cơ chế, chính sách, huyện đang tiến hành lập quy hoạch một loạt dự án, điểm đến để thu hút đầu tư. Trong đó, trọng điểm sẽ là quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ (495ha); quy hoạch phân khu khu du lịch sinh thái thể thao nước khoáng nóng Thanh Tân (thêm 300ha); quy hoạch khu vực Nhà Chồ (Điền Hải), quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển qua địa bàn huyện. Trong đó, trọng tâm quy hoạch phát triển du lịch ở Điền Lộc.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, trong thời gian tới huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để bổ sung, hoàn thiện dự án theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện, có sự kết nối du lịch với các khu vực khác trên địa bàn trong và ngoài huyện. Trong đó, lưu ý đến lợi thế, điểm mạnh trong phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, ngành nghề truyền thống, các lễ hội để quảng bá sâu rộng tiềm năng ra bên ngoài.

Đọc thêm