Rộ phong trào thể dục tại nhà
Suốt cả tháng nay, anh Lê Minh Thọ, 27 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản ở TP HCM vừa không đi làm, vừa không đến phòng tập được do dịch Covid-19. Thường ngày, anh tuân thủ chế độ tập luyện nghiêm ngặt tại một phòng gym ở đường D2, quận Bình Thạnh nên có thể hình đẹp, sức khỏe dẻo dai.
Thời điểm này, anh Thọ mua tạ tay về tự tập và chạy bộ hàng ngày. Nhưng mối lo của anh là bị “nhả cơ”, vì tập một thời gian siết cơ nghiêm ngặt nếu không duy trì sợ thể hình sẽ không còn như cũ. Sau này khi phòng tập mở cửa, phải nỗ lực nhiều hơn mới có lại thể hình và thể trạng như xưa. Chính vì thế, anh Thọ đã liên hệ huấn luyện viên để thực hiện những bài tập từ xa theo video nhằm duy trì bền vững các bài tập.
Thực tế, giờ đây ngày càng có nhiều người đeo đuổi vẻ đẹp hình thể theo tiêu chuẩn “phòng gym” và nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được hình thể ấy. Việc giãn cách, đóng cửa các phòng gym, đối với các “gymer” đam mê thể hình quả thật là một “cực hình”. Thế nên, họ xoay sở nhiều cách để có thể được tiếp tục các bài tập, duy trì thể hình và sức khỏe.
Tình hình cũng tương tự đối với những người đam mê yoga. Với những “tín đồ” của môn thể thao đặc biệt này thì thực hành yoga mỗi ngày không chỉ là một giải pháp để duy trì sức khỏe, cơ xương hay vóc dáng, mà còn là một trong những liệu pháp giúp cân bằng trạng thái tâm lý, xả stress hiệu quả. Với yoga, việc thực hành tại nhà hàng ngày khá dễ dàng hơn so với các bài tập thể hình cần đến máy móc, dụng cụ. Nhưng với nhiều người tập yoga ở các phương pháp khó hoặc cần đến dụng cụ hỗ trợ như dây treo thì tập ở nhà cũng đem đến những bất tiện không nhỏ, cộng với thiếu động lực, quay cuồng với việc nhà cũng khiến người tập dễ “bỏ ngang”.
Mới đây nhân Ngày Quốc tế yoga 21/6, nhiều người tập yoga đã đồng loạt đăng tải lên mạng những bài tập từ dễ đến khó và những “thách đố” nho nhỏ giữa người tập với nhau. Nhiều giáo viên, nhiều hội nhóm yoga cũng đưa ra những bài hướng dẫn trực tuyến cho cư dân mạng. Tất cả nhằm khích lệ tinh thần yêu yoga, yêu thể thao trong mùa giãn cách.
Ngay cả những người trước đến nay chưa có đam mê trong rèn luyện sức khỏe, mùa dịch cũng là lúc họ có thời gian và nhận ra tầm quan trọng của việc luyện tập thể thao. Nhiều gia đình đã bắt đầu từ việc chạy bộ, đạp xe đạp, hoặc hướng đến “nghiêm túc” hơn bằng đăng kí học từ xa tại các trung tâm thể hình.
Phát triển “phòng tập từ xa”
Năm qua là một năm khó khăn lớn đối với nhiều người làm kinh doanh, trong đó có các trung tâm thể hình. Sau những thời điểm trồi sụt, đóng mở cửa liên tục, hiện có nhiều trung tâm thể hình đã lựa chọn phương án “phòng tập từ xa” nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Với phương án này, có phòng gym lựa chọn cách phát hành những video hướng dẫn bài tập để bán cho khách hàng. Nhiều phòng tập lớn cũng có những chương trình “phòng tập từ xa” với chương trình học trực tuyến, thông qua livestream hoặc học cùng huấn luyện viên. Một vài phòng tập triển khai mô hình này để kinh doanh, còn một số trung tâm huấn luyện lớn đang thực hiện thí điểm miễn phí trong mùa dịch.
Nhiều trung tâm cũng áp dụng phương án cung cấp “huấn luyện viên tại gia” cho khách có nhu cầu, với điều kiện cả khách lẫn huấn luyện viên đều có khai báo y tế rõ ràng. Huấn luyện viên thể hình Phạm Hy, từng đoạt nhiều huy chương vàng thể hình trong nước, đồng thời là chủ chuỗi CLB thể hình tại TP.HCM chia sẻ: “Mùa dịch, phòng gym phải đóng cửa, Phạm Hy đã phát triển hình thức “phòng tập online” với những video đăng tải trên Facebook, Youtube, website, nội dung là những bài tập luyện đơn giản tại nhà để khách hàng hoặc bất cứ ai có thể tự tập. Hiện tại Phạm Hy cũng hỗ trợ thực hiện huấn luyện online 1-1 miễn phí và tư vấn miễn phí về dinh dưỡng cho khách hàng đăng ký. Đó là cách trung tâm của mình duy trì và phát triển trong mùa dịch, đồng thời vẫn giữ được lượng khách hàng lâu bền”.
Tuy nhiên, theo HLV Phạm Hy, việc tập luyện tại nhà cũng chỉ là một giải pháp duy trì, trong đó có nhiều vấn đề cần lưu ý. Đầu tiên, nguồn đăng các video, tài liệu phải là uy tín đáng tin cậy, vì trong số đó cũng có những thông tin không chính xác hoặc những bài tập không hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật tập. Khi xem các video hướng dẫn, người tập cần lưu ý thật kỹ về các cách thực hiện các động tác của người mẫu và HLV trên clip vì tương tác một chiều, các HLV không thể trực tiếp nhìn thấy hoặc chỉnh sửa động tác sai. Tập liều sẽ dễ dẫn tới những trường hợp chấn thương hoặc đau khớp, nhất là những người có tiền sử về đau vai gáy, đau khớp gối, thoát vị đĩa đệm… Trên thực tế đã có những trường hợp như thế xảy ra. Đồng thời, người tập cũng cân nhắc, tìm hiểu kĩ khi mua bất cứ chương trình thể hình online nào, đừng quá tin vào quảng cáo kẻo bị lừa đảo hoặc “tiền mất tật mang”.