Đây là chia sẻ của bà Sharon Rowen, một luật sư biện hộ tại bang Atlanta, đồng thời là nhà làm phim từng đoạt giải thưởng điện ảnh. Bộ phim của bà, “Balancing the Scales” (Cán cân bình đẳng giới), được công chiếu khắp nước Mỹ, đúc kết 35 năm kinh nghiệm làm nghề, 20 năm phỏng vấn các nữ luật sư và thẩm phán thuộc 5 thế hệ. Từ đó phơi bày những thách thức mà phụ nữ hoạt động trong ngành luật phải đối mặt, đem lại cái nhìn sâu sắc về bất bình đẳng mà phụ nữ phải gánh chịu.
Theo bà Sharon Rowen, ở Mỹ chỉ có 19% phụ nữ làm lãnh đạo trong ngành luật, dù tỷ lệ sinh viên nữ học luật khoảng 50%. Điều này phản ánh những rào cản và thách thức phụ nữ gặp phải trong cuộc sống và sự nghiệp.
Trong nhiều ngành nghề nói chung và trong ngành luật nói riêng, phụ nữ phải đối mặt với việc không cân bằng được giữa công việc và gia đình. Cụ thể, trong công việc, họ không được đánh giá cao về thành tích dù làm việc rất chăm chỉ và ý chí vươn lên. Các nhà tuyển dụng cho rằng, phụ nữ nếu kết hôn và sinh con sẽ gặp nhiều vướng bận, không có thời gian và không thể chuyên tâm cho công việc. Họ thường xuyên phải tìm người thay thế.
Không chỉ vậy, phụ nữ bị phân biệt đối xử khi bị trả lương thấp hơn, ít có cơ hội được thăng tiến hơn và so với nam giới, phụ nữ không đủ khả năng để làm lãnh đạo. Thậm chí, những người gốc châu Á, gốc châu Phi thậm chí không bao giờ có cơ hội vươn lên vị trí lãnh đạo, dù năng lực có thừa.Và khi đạt được thành công, họ phải điềm đạm và khiêm tốn.
“Rất nhiều phụ nữ học luật, tốt nghiệp với tấm bằng luật khá giỏi chẳng thua kém cánh mày râu, nhưng bất công ở chỗ nhiều công ty luật không nhận phụ nữ. Nhiều người tâm sự với tôi rằng, họ tốt nghiệp ngành luật vào năm 1976 nhưng không tìm được một công việc hay vị trí xứng đáng với tấm bằng của mình.
Hoặc khi được nhận vào làm việc, họ cũng chỉ làm công việc liên quan đến giấy tờ văn thư và hoàn toàn không được tham gia tranh tụng. Thậm chí nhiều người nói rằng, nếu họ là đồng tính có lẽ sẽ tốt hơn, vì họ được nhìn nhận như một người đàn ông”, bà Sharon Rowen nói.
Không chỉ phải hoàn thành tốt công việc, người phụ nữ còn phải chăm sóc gia đình. Nguyên nhân là do định kiến khuôn mẫu người đàn ông là trụ cột gia đình còn phụ nữ phải lùi về phía sau, đóng vai trò là người chăm sóc gia đình, con cái.
Chính vì những áp lực này, rất nhiều phụ nữ trong ngành luật phải từ bỏ công việc vì không thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Hoặc nếu theo đuổi nghề nghiệp, họ phải từ bỏ việc kết hôn, thậm chí là không thể sinh con.
Theo bà Rowen, nhiều người cho rằng, ở các nước phương Tây, việc thúc đẩy bình đẳng giới tiến bộ hơn ở phương Đông. Song, có một thực trạng rất rõ ràng là ở Mỹ, nếu người phụ nữ làm nghề luật có địa vị cao hơn và kiếm tiền giỏi hơn đàn ông, tỷ lệ ly hôn rất cao. Hoặc ở Phần Lan, tỷ lệ nữ giới giữ vị trí lãnh đạo trong ngành luật chỉ chiếm 6-7%, thấp hơn nhiều so với nước Mỹ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, một phần nhỏ những người phụ nữ chưa kết hôn có bằng tiến sĩ rất khó khăn trong việc tìm kiếm người chồng lý tưởng cho mình. Tuy nhiên so với các nước phương Tây, Việt Nam đã nhận diện được vấn đề và đã tìm kiếm biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo bà Rowen, để phụ nữ cân bằng được công việc và gia đình, bên cạnh sự chuẩn bị sẵn sàng của bản thân, họ cần sự hỗ trợ hợp lý từ cả gia đình, chính phủ và xã hội. Các cơ quan chính phủ cũng nên có thêm các đại diện là nữ để hiểu rõ hơn những vấn đề phụ nữ phải đối mặt. Phụ nữ cần đấu tranh nhiều hơn nữa đề nhận được sự bình đẳng.
“Ở các thế hệ trẻ hơn, điều này đang dần thay đổi và tôi hy vọng sẽ không mất nhiều thời gian để mọi người hiểu rằng, tất cả mọi người đều cần được trao cơ hội để làm những điều họ muốn, không quan trọng họ thuộc giới tính nào”, bà Rowen kỳ vọng.