Phú Thọ đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử

(PLVN) -  Năm 2021, tỉnh Phú Thọ tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác xây dựng chính quyền điện tử. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được các cơ quan đơn vị triển khai thành công đã giúp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã ứng dụng chữ ký số phục vụ các giao dịch điện tử

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký ban hành Quyết định số 519/QĐ-UBND công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2021. Kết quả cho thấy, hiện 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành (trừ văn bản mật theo quy định).

Cùng với đó, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chữ ký số phục vụ các giao dịch điện tử. Tỷ lệ văn bản có ký số đạt 95,25%, tăng 22,10% so với năm 2020. 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện và các xã thuộc huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Đoan Hùng đã có Trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang thuộc Cổng/trang thông tin điện tử cấp huyện (đạt tỷ lệ 65,77%, tăng 22,66% so với năm 2020).

Hệ thống một cửa điện tử cũng được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối liên thông Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong năm 2021, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4 là 513.922 hồ sơ, đạt tỷ lệ 55,73%, tăng 25,33% so với năm 2020.

100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, UBND cấp xã, phường; thị trấn đã mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống hội nghị trực tuyến đã được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tổng số đã diễn ra hơn 500 cuộc họp trực tuyến được tổ chức với hơn 3.000 điểm cầu, số đại biểu dự họp trên 250.000 người, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh về cấp huyện, xã.

Cũng theo kết quả được công bố, Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính là 5 đơn vị đứng đầu trong bảng xếp hạng mức độ chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành.

Thị xã Phú Thọ và các huyện Tân Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Thanh Ba là 5 địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng mức độ chính quyền điện tử cấp huyện, thành, thị.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng, ưu tiên và dành nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước xây dựng, hiện đại hóa chính quyền điện tử, chính quyền số. Với những kết quả mà tỉnh đạt được, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử đang góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành. Đồng thời, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước./.

Đọc thêm