Phú Thọ - Miền đất của những thắng cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với vị trí “ngã ba sông” - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ hiện đang lưu giữ nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Ngoài khu du lịch Đền Hùng nổi tiếng, Phú Thọ hiện là miền đất của những thắng cảnh với 15 địa điểm du lịch thú vị như: Ao Giời Suối Tiên, Đầm Ao Châu, vườn Quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thủy… Đây là những tài nguyên du lịch tự nhiên quý báu để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá.

1. Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Đền Hùng nằm tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Khu di tích Đền Hùng là một quần thể kiến trúc, di tích lịch sử văn hoá của quốc gia được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây.

Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao hùng vĩ. Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt.

Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam.

2. Vườn quốc gia Xuân Sơn

Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị trong nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn nguồn gen. Thiên nhiên ở đây vẫn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, hoang dã; khí hậu quanh năm mát mẻ là điểm đến lý tưởng của du khách ưa khám phá, nghỉ dưỡng và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam.

Vườn được ví là “lá phổi xanh,” là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22-23 độ C.

Vườn quốc gia Xuân Sơn thu hút khách du lịch

Vườn quốc gia Xuân Sơn thu hút khách du lịch

3. Đồi chè Long Cốc

Đồi chè Long Cốc (xã Long Cốc, huyện Thanh Sơn) gồm hàng trăm quả đồi bát úp nối nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Từ tháng 3 đến tháng 12, chè lên xanh mát như tấm thảm xanh đầy sức sống. Ngoài khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, du khách được thưởng thức tách trà thơm mang phong vị đậm đà của vùng đất Thanh Sơn.

Đồi chè Long Cốc

Đồi chè Long Cốc

4. Quần thể lộc vừng Cẩm Khê

Quần thể lộc vừng gồm khoảng 85 gốc nằm ở đền Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. Quần thể lộc vừng nằm trên một gò đất rộng khoảng 500m2. Bên trong còn có một gò miếu cổ, tương truyền được thờ công chúa Ngọc Hoa, con gái vua Hùng. Theo nhiều người dân địa phương, quần thể lộc vừng có tuổi đời hàng trăm năm.

Quần thể lộc vừng ở Cẩm Khê

Quần thể lộc vừng ở Cẩm Khê

5. Hồ Thượng Long

Hồ Thượng Long (hay còn gọi là Hồ Ly) là hồ trữ nước của tỉnh Phú Thọ. Hồ được tạo ra từ hai khe nước là khe Ly và khe Chanh. Với diện tích mặt nước 40ha, hồ Ly là một trong những hồ có trữ lượng nước lớn nhất tỉnh, có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân huyện Yên Lập.

Nơi đây có bản làng của đồng bào dân tộc Dao, Mường sinh sống ven hồ. Du khách có thể thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị núi rừng và tìm hiểu về nghề làm thổ cẩm ở Yên Lập.

Hồ Thượng Long ở Yên Lập

Hồ Thượng Long ở Yên Lập

6. Công viên Văn Lang

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, công viên Văn Lang là điểm nhấn quan trọng của thành phố Việt Trì. Đây là công trình thuộc quần thể khu du lịch Văn Lang, có tổng diện tích 116,2 ha. Công viên Văn Lang được coi là một điểm tham quan hấp dẫn du khách, không chỉ tô đẹp cho thành phố mà còn thể hiện những nét độc đáo của văn hóa truyền thống vùng đất Tổ. Công viên tập hợp các biểu tượng truyền thống độc đáo thời Hùng Vương và đã giành giải thưởng kiến trúc Quốc gia năm 2000.

Cầu đi bộ ở công viên Văn Lang

Cầu đi bộ ở công viên Văn Lang

7. Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Nằm cách xa thành phố Việt Trì tầm 40km, suối khoáng nóng Thanh Thủy nằm trên địa phận các xã La Phù và Bảo Yên, huyện Thanh Thủy. Đây là địa điểm có nguồn nước khoáng nóng và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nước khoáng Thanh Thủy có nhiệt độ dao động trong khoảng từ 37ºC - 54ºC thuộc loại nước khoáng ấm - nóng. Trong nước khoáng có nhiều chất vi lượng rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khoẻ.

Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Khoáng nóng Thanh Thuỷ

8. Di tích đền Mẫu Âu Cơ

Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, cách đây hơn 500 năm, thế kỷ thứ XV thời hậu Lê, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà.

Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991. Ngày lễ chính của Đền Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” 7/1, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11/2, 12/3, 13/8...

Ngày lễ tại đền Mẫu Âu Cơ

Ngày lễ tại đền Mẫu Âu Cơ

9. Đền Tam Giang và chùa Đại Bi

Đền Tam Giang, Chùa Đại Bi là một cụm di tích lịch sử hoàn chỉnh. Đền Tam Giang là ngôi đền thờ thần Thổ Lệnh. Ông là thần làng – thần sông Bạch Hạc đã có công tìm ra nhiều phương thuốc chữa bệnh cho người dân. Còn ngôi chùa Đại Bi chính là ngôi chùa do chính Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái công chúa Thiên Thụy xây dựng nên. Ngôi chùa này đã được gần 700 năm tuổi.

Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi nằm ở tả ngạn, là nơi hợp lưu của ba dòng sông: Sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Vào đúng các dịp lễ, ở đây sẽ diễn ra xướng dân gian và đa dạng các hình thức của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đền Tam Giang

Đền Tam Giang

10. Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu (thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) sở hữu diện tích khoảng 300 ha với khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ trải khắp mặt hồ. Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 2km² và có tới khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ một thảm thực vật đa loài dầy đặc và phong phú, đỉnh cao nhất cao tới 177m so với mặt biển, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi.

Đáng chú ý là mực nước trong hồ luôn có độ sâu khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m và quanh năm không bị cạn. Nhờ vậy, mặt nước Ao Châu trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều thủy tộc sinh sống: giải, rùa vàng, ba ba... Đặc biệt, nhân dân địa phương còn trồng nhiều loại cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải... khiến cho Ao Châu càng trở nên hấp dẫn.

Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu

11. Ao Giời – Suối Tiên

Đường tới Ao Giời - Suối Tiên (xã Quân Khê, Hạ Hoà) hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500 - 600m so với mặt biển. Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi.

Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong.

Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, hình thành nên những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây.

Ao Giời – Suối Tiên

Ao Giời – Suối Tiên

12. Thác Mây – Thác Mơ

Thác Mây thuộc xã Hương Cần, nằm cách trung tâm huyện Thanh Sơn khoảng 25km. Trên đỉnh núi Hem có một hồ nước nhỏ, nước từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành suối Hem và nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau, gọi là thác Mây. Thác Mây gồm 13 thác nước lớn nhỏ, trong đó thác cao nhất là thác Thượng với nhiều cột nước tung bọt trắng xoá.

Thác Mơ thuộc xã Cự Thắng, cách trung tâm huyện 15km. Trước đây, thác có tên gọi khác là thác Vạn Mơ nhưng lâu dần người ta gọi thác là thác Mơ. Với 9 tầng thác khác nhau, Thác Mơ được vây quanh bởi những ngọn núi xanh mát, hệ động thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng.

Thác Mây

Thác Mây

13. Làng cổ Hùng Lô

Ngoài những điển tích lịch sử tự hào về truyền thống, nguồn cội; làng cổ Hùng Lô còn có những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, chủ yếu tập trung tại tòa Đại Đình. Nơi đây lưu giữ được tương đối đầy đủ các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc... bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo; tiêu biểu nhất là năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng, hệ thống 43 câu đối...

Điều đặc biệt hấp dẫn là ngoài vẻ đẹp cổ kính cùng các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Hùng Lô còn là ngôi làng sở hữu kỹ thuật làm miến truyền thống. Đây không chỉ là nghề gia truyền mang đến thu nhập cho các hộ gia đình mà còn đang dần trở thành sản phẩm du lịch thú vị cho làng cổ.

Lễ hội tại làng cổ Hùng Lô

Lễ hội tại làng cổ Hùng Lô

14. Khu du lịch Bạch Hạc

Bạch Hạc và Bến Gót là hai phường nằm ở phía Nam thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Với diện tích rộng tới 100 ha, khu du lịch Bến Gót được chia thành 2 phần: phần ở bờ Bắc và bờ Nam sông Lô.

Nằm cuối khu du lịch là lầu Bạch Hạc, nơi đây, du khách có thể ngắm cảnh từ vị trí trên cao. Ngoài ra, dưới lầu còn có bia tưởng niệm 100 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ giúp du khách có thể hiểu thêm về nguồn gốc cội nguồn của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Lầu Bạch Hạc

Lầu Bạch Hạc

15. Đầm Vân Hội

Đầm Vân Hội thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa với chiều dài gần 10km, rộng có nơi gần 2km, với 410ha mặt nước. Núi non hùng vĩ, thảm thực vật xanh tốt hòa cùng mặt nước mênh mông tạo nên thắng cảnh được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ trên miền đất trung du.

Đầm Vân Hội

Đầm Vân Hội

Điểm làm nên giá trị của đầm Vân Hội là trong lòng đầm có đến 40 đảo lớn, nhỏ bốn mùa cây cối tốt tươi. Đồng thời, cây xanh còn là nơi trú ngụ cho nhiều loài chim bản địa, chim di trú đậu kín trên rừng cây các đảo của hồ./.

Đọc thêm