Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan bám sát 5 định hướng phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp theo đề án phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam để cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình thực hiện. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, xã hội và nhân dân trong việc tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện đề án.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đảm bảo mở rộng không gian chung, gắn với phát triển không gian thành phố lễ hội của khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Tỉnh sẽ khôi phục, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, các điển tích lịch sử, các trò chơi dân gian có ý nghĩa giáo dục và nghệ thuật cao. Trong đó, bảo tồn, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội hiện có, trọng tâm là nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các hoạt động văn hóa truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian phù hợp với văn hóa vùng Đất Tổ. Hình thành không gian lễ hội, gắn kết di sản văn hóa phi vật thể trong nước và thế giới…
Tu bổ, tôn tạo các công trình dự án thuộc không gian trung tâm của Thành phố lễ hội các di tích bị lấn chiếm, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống. Hình thành tổ hợp, khu vui chơi, giải trí; các tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp dịch vụ ẩm thực, văn hóa phục vụ khách du lịch; phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng đặc trưng của thành phố Việt Trì.
Tăng cường huy động tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Việt Trì. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch và phát triển sản phẩm văn hóa, du lịch.
Cùng với đó, Phú Thọ sẽ tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại, văn minh; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách.
Đặc biệt, tỉnh đề ra nhiệm vụ xây dựng và hình thành văn hóa và môi trường sống đặc trưng vùng Đất Tổ (cởi mở, thân thiện, ấm áp; đoàn kết; thành phố văn minh, giảm thiểu tối đa các tai, tệ nạn xã hội); đối tượng tham gia vào hoạt động của lễ hội phải đạt chuẩn mực cao nhất về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh trật tự.... Xây dựng hình ảnh, phong cách công dân Việt Trì “Thân thiện, thanh lịch, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”.
Với mục tiêu đưa Việt Trì thành thành phố lễ hội, tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái; hình thành các điểm du lịch, các tour du lịch gắn kết với các tour tuyến du lịch của tỉnh, của vùng. Đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ các ngành dịch vụ, các khách sạn, nhà hàng theo hướng chuyên nghiệp.