Theo chương trình hành động, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng TP Tuy Hòa thành đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng trong chuỗi đô thị ven biển miền Trung, là một trong những đầu mối giao thông, trung tâm đào tạo, du lịch, công nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và mở rộng không gian đô thị, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị, phấn đấu đến năm 2025 TP Tuy Hòa đủ điều kiện được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Cụ thể, TP Tuy Hòa phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 10,9%/năm; thu ngân sách địa phương phấn đấu đạt trên 1.200 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 45 - 50 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ tăng dân số hàng năm phấn đấu đạt mức tối thiểu 1,6%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; giải quyết việc làm hằng năm cho 4.500 - 4.700 người lao động…
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình hành động là tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường trục chính đô thị theo quy hoạch được duyệt để định hình không gian, tạo động lực phát triển như: đường Nguyễn Trãi nối dài (đến đường số 14), cầu Nguyễn Trãi sang Khu đô thị Ngọc Lãng, đường Trần Phú nối dài (đến quốc lộ 1A), đường số 14, tuyến đường cảnh quan ven biển và công viên biển phía Bắc (đoạn từ Khu du lịch Bắc Âu đến kè biển An Phú)… Từng bước đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông nội thị, trong khu dân cư hiện hữu, các tuyến giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.
Sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư các khu đô thị có tính điểm nhấn, tạo đột phá như: Khu đô thị Ngọc Lãng, Khu đô thị Nam Tuy Hòa, Khu đô thị Bắc Trần Phú, Khu đô thị tại khu đất DL1 và khu đất số 19, Khu đô thị bờ Nam Sông Ba (đoạn từ cầu Đà Rằng cũ đến cầu Đà Rằng mới)...
Chương trình hành động cũng tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn gắn kết hài hòa với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững. Phấn đấu mỗi năm thành lập mới 130 doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh ngành du lịch dịch vụ của thành phố phù hợp với chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; ưu tiên thu hút đầu tư những ngành, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng lớn, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án về chuyển đổi số của Trung ương, của tỉnh.