Bị chuẩn đoán bại não
Ngày 31/8/2013, He Yide (biệt danh Duoduo, sinh năm 2008) ở Nam Kinh, Trung Quốc đã tự lái máy bay một mình trên bầu trời Công viên động vật hoang dã Bắc Kinh. Chuyến bay dài 35 phút đã giúp He Yide được ghi tên vào Guinness World Record với danh hiệu Phi công trẻ nhất thế giới.
Tự hào về thành tích của con, cha của Yide viết, “Chuyến bay trên chiếc máy bay hạng nhẹ của con đã vô cùng thành công, và quả thực cậu bé không hề sợ hãi gì cả”.
|
He Yide (biệt danh Duoduo, sinh năm 2008) ở Nam Kinh, Trung Quốc đã tự lái máy bay một mình trên bầu trời Công viên động vật hoang dã Bắc Kinh |
Thế nhưng ít ai biết được rằng, He Yide đã từng bị các bác sĩ cảnh báo có nguy cơ bại não vào thời điểm vừa mới ra đời. Năm 2008, He Yide cất tiếng khóc chào đời nhưng không giống như những đứa trẻ khác, He Yide sinh non lúc mới 7 tháng. Khi mới sinh ra, cậu bé còn bị bác sĩ chẩn đoán là có khả năng bại não và có thể cậu bé sẽ khiếm khuyết về mặt thể chất.
Cha Yide là He Liesheng, một doanh nhân bình thường ở Trung Quốc chưa kịp vui mừng vì có một đứa con trai thì bàng hoàng nhận hung tin. Không chấp nhận con trai mình phải sống trong sự tật nguyền suốt đời, cha cậu bé đã quyết định bí mật rèn luyện con trai mình để nó trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh như bao người khác. Ông trở thành gương mặt đại diện cho một thế hệ các ông bố mới được gọi là “hổ phụ” tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
|
Gia đình bình thường và hạnh phúc của He Yide |
Học bơi từ lúc 10 ngày tuổi
Ngay khi Yide mới 10 ngày tuổi, vừa ra khỏi lồng ấp bệnh viện, cha của cậu bé bắt đầu cho con trai học bơi và kiên trì rèn luyện cho tới tận bây giờ. Và trong suốt 10 năm qua, Yide đã thực hiện các bài tập hàng giờ mỗi ngày.
Không chỉ bơi, cậu bé còn được bố cho theo học các lớp đào tạo tài năng như chạy bộ, leo cây, trượt tuyết, đạp xe, xen kẽ với đó là các bộ môn võ thuật như taekwondo hay nhảy hip hop…
Khi He Yide 2 tuổi, cậu bé đã được tập luyện leo núi cùng bố và phải chạy bộ 2 km mỗi ngày. Ngoài ra, Yide còn được huấn luyện đi xe đạp, tập võ thuật… ngay từ nhỏ.
Khi He Yide 4 tuổi, cậu bé cùng bố mẹ đến New York, Mỹ du lịch. Sáng sớm một ngày ở Mỹ, ông He Liesheng bắt con cởi trần, chỉ mặc chiếc quần cộc màu vàng và chạy giữa trời tuyết rơi -13 độ C. Yide vừa chạy vừa gào khóc gọi bố, mẹ và cầu xin bố mẹ ôm cậu vào lòng. Nhưng ông Liesheng chỉ nói ‘Thôi nào’ rồi yêu cầu con tiếp tục chạy, không được nghỉ.
Khi video được tải lên mạng xã hội bởi chính người bố, đã có hơn 200.000 lượt chia sẻ chỉ sau vài ngày. Đã có hàng nghìn bình luận từ cư dân mạng. Trong đó, 80% người dùng mạng tỏ ra bất bình, phản đối việc làm của ông.
Tuy nhiên, đáp lại những bất bình đó, ông Liesheng nói, “Tôi yêu đứa trẻ này bằng cả trái tim. Thằng bé đã bị sinh non vào tháng thứ 7 với nhiều chứng bệnh. Các bác sĩ nói, thằng bé có nguy cơ bị bại não nhưng tôi không muốn chấp nhận điều đó. Để có thể giúp thằng bé thay đổi số phận, sau này trở thành người tài, tôi đã lên kế hoạch rèn luyện con bằng giáo trình đào tạo riêng mang tên ‘Giáo dục đại bàng’. Khi đại bàng non đủ lớn, đại bàng mẹ sẽ ném con xuống vách đá để chúng phải tự đập cánh”, ông nói.
Theo đó, triết lý giáo dục của ông Liesheng là: “Giống như một con đại bàng, tôi đẩy con mình tới giới hạn để nó học cách bay”. Việc cho con 4 tuổi cởi trần chạy trên tuyết chính là 1 trong những hành động nhằm thử sức con để con có thể “tự bay trên đôi cánh của mình”.
Ông Liesheng tin rằng phương pháp đào tạo khắc nghiệt sẽ mang lại lợi ích cho trẻ nhỏ. Ông cho rằng phương pháp giáo dục quá bao bọc và an toàn của các bậc phụ huynh hiện nay khiến con trẻ lười nhác và thiếu tinh thần chủ động. “Khi đặt Yide vào trong tình huống sóng to gió lớn, nó mới thể hiện được khả năng tiềm ẩn của mình”, ông Liesheng nói.
Hơn 4 tuổi, vào tháng 8/2012, Yide đã cùng bố tham gia một cuộc đua thuyền quốc tế. Một thời gian ngắn sau đó, ông Liesheng để con tự chèo thuyền ra biển lớn. Đến tháng 9/2012, cậu bé là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn leo núi Fujiyama ở Nhật Bản trong suốt 15 giờ.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, cặp cha con này lại có hành trình vượt qua sa mạc Lop dài 3.000km. Trong hành trình, họ đã phải đi bộ khoảng 100km. Cả hai đã thực hành nhiều kỹ năng sinh tồn, gồm hái lượm thực phẩm và ngủ trong những chiếc hố mà họ tự đào để bảo vệ bản thân.
Chuyến đi còn có 5 hướng dẫn viên với nhiều thuốc men, dụng cụ hỗ trợ đi cùng cậu bé nhưng vẫn khiến nhiều bậc cha mẹ xót xa. Tuy nhiên, ông Liesheng nói: “Chuyến đi này đã rèn luyện cho con trai tôi kỹ năng sinh tồn khi cháu tự tìm kiếm nước và thức ăn trên đường”.
|
Ông Liesheng tin rằng phương pháp đào tạo khắc nghiệt sẽ mang lại lợi ích cho con trai mình |
Có thể nói rằng chuyến đi lần này của cha con Yide rất đáng nể bởi sa mạc Lop, nằm ở Tân Cương, là một hồ muối đã khô cạn với biệt danh “Biển Chết” ở Trung Quốc. Nhiều người đã bỏ mạng khi cố băng qua sa mạc này.
Chưa hết, khi mới 5 tuổi, bố của Yide đã chi 4.100 USD cho con trai học lái máy bay. Điều này có nghĩa rằng Yide phải dậy lúc 4h30 để 5h ra sân bay tập luyện lái máy bay. Sau đó nửa năm, cậu bé đã có thể một mình lái máy bay nhỏ bay qua công viên động vật hoang dã ở Bắc Kinh.
Thành tích học tập của cậu cũng khiến nhiều người trầm trồ. Năm 5 tuổi, He Yide hoàn thành toàn bộ chương trình học cấp tiểu học. Năm 9 tuổi, cậu bé đăng ký thi Đại học Nam Kinh. Đến năm 11 tuổi, He Yide vượt qua 18 môn học của trường với điểm trung bình là 70.3. Cậu đủ điều kiện thi tốt nghiệp của trường.
Yide luôn tuân thủ một thời khóa biểu khá chặt chẽ, gồm 3 giờ thể dục mỗi ngày và rất nhiều bài học với kiến thức cao siêu hơn nhiều những gì một đứa trẻ bằng tuổi cậu bé vẫn học.
Giống nhiều đứa trẻ 9 tuổi khác, Yide đang là học sinh lớp 3 tại một trường tiểu học ở địa phương. Tuy nhiên ngoài giờ học trên lớp, Yide còn phải tham gia nhiều lớp học với các gia sư mà cha thuê để giúp cậu chuẩn bị cho các bài thi đầu vào cấp 2.
Cha của Yide nói rằng ông muốn con trai chỉ tập trung vào các môn học liên quan tới kinh doanh, bởi tham vọng của cậu bé là trở thành một doanh nhân. Các giáo trình giảng dạy chính thức bị ông xem là quá lãng phí thời gian vào các môn học “vô bổ”.
Phương pháp dạy dỗ của ông Liesheng mặc dù gặp phải nhiều chỉ trích, nhưng đã mang tới kết quả là Yide hiện rất khỏe mạnh về thể chất, thậm chí là hơn nhiều chúng bạn cùng trang lứa.
11 tuổi, người ta không thể tưởng tượng đây là đứa trẻ sinh non từng được chẩn đoán có nguy cơ bị bại não. Từ những bài tập khắc nghiệt của bố, Yide đã giành được nhiều kỷ lục thế giới như: Phi công trẻ nhất thế giới, Thủy thủ trẻ nhất thế giới...Cho tới nay, cậu vinh dự nhận được 11 kỷ lục Guinness thế giới.