“Tại sao thị lại có ma hả mẹ?” – chẳng ai trả lời đứa bé là tôi câu hỏi đó, bà và mẹ chỉ lắc đầu trong im lặng.
Lớn lên, có dịp đọc “Bóng đen trên cây thị” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi ông kể về những chuyện kỳ bí của làng Chùa thì tôi cũng hiểu lý do vì sao người lớn thi thoảng lại im lặng đầu khó hiểu trước những câu hỏi tò mò của đám trẻ con.
Tôi vẫn nhớ như in một đoạn viết của nhà văn: “Cây thị trong góc vườn nhà bà Dạng là một cây thị cổ thụ và có hình dáng kỳ dị mà cho dù đi nhiều nơi trong thiên hạ tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy cây thị thứ hai. Trong làng tôi ngày ấy cũng có vài ba nhà trồng thị. Nhưng chỉ có cây thị nhà bà Dạng mùa nào cũng sai quả một cách lạ lùng. Hồi còn sống, cứ đến mùa thị là bà Dạng bứt được cả chục rổ thị đi bán. Đến mùa thị chín, cả cái cây là một vòm quả khổng lồ với một màu vàng rất lạ và hương thơm của cây thị đó lan tới tận làng bên cạnh cho dù hai làng cách nhau cả một cánh đồng rộng.
Vào một đêm sáng trăng gần ngày rằm tháng Tám, những đứa trẻ trong xóm gần đó ngửi thấy mùi thị chín bèn rủ nhau tìm xuống khu vườn để hái thị. Đấy cũng là mùa thị ra quả đầu tiên kể từ ngày ngôi nhà bà Dạng không còn ai ở nữa. Lũ trẻ rón rén bước qua những đám cỏ um tùm cao đến ngang người trong vườn đi về phía cây thị cổ thụ. Khi đến trước cây thị, chúng ngước lên và giật mình kinh hãi. Trên cành thị mọc ngang và đầu cành là xuống thấp sát mặt đất, có một bóng đen đang ngồi trên đó. Dù trong nỗi kinh hãi, chúng vẫn nhận ra một đôi mắt hoang dại nhìn chúng. Tất cả lũ trẻ đứng chết lặng như trời trồng, tim chúng đập tưởng vỡ tan thành từng mảnh...”.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông cũng tò mò về bóng đen trên cây thị đó lắm và khi lớn lên cũng đã từng đi hỏi: “Một lần trong lúc trò chuyện văn chương, tôi hỏi ông anh họ về chuyện ma cây thị và bộ hài cốt lạ trong vườn nhà bà Dạng. Nghe tôi hỏi, ông chỉ tủm tỉm và nói: “Chuyện ấy là thật mà không phải thật”. Nghe vậy, tôi hiểu ông biết sự thật câu chuyện đó. Nhưng tôi cũng không hỏi lại ông lần nào nữa cho dù tôi luôn luôn muốn biết sự thật. Bây giờ ông anh họ tôi đã thành người thiên cổ. Và câu chuyện về ma cây thị cũng trôi vào dĩ vãng”.
Thế đó, ở đời, có những thứ không nên đi đến tận cùng. Cứ lơ lửng vậy mà lại hay!
*
Tôi rất thích chơi thị kể cả khi đã không còn là trẻ con nữa và cũng không sợ ma lắm, thế nên đã có lúc tôi nghĩ thị có ma cũng thú vị.
Vì “con ma” trong thị sẽ giúp tôi nghe được tiếng bước chân ngập ngừng của nàng thu đang dần về trong sắc vàng và mùi hương thơm của thị.
Giúp tôi nghe được tiếng hát khe khẽ cùng nhịp tim đập rộn ràng của cô Tấm mỗi khi cô bước ra khỏi quả thị để nấu cơm cho bà.
Giúp tôi nghe được tiếng thở dài của bà lão vì thương cho cuộc đời lận đận của cô gái trẻ và tiếng vó ngựa gấp gáp phi đến của hoàng tử, rốt cuộc thì chàng cũng được gặp lại vợ hiền…
Thị vàng, thị chín cũng là lúc tới tháng ngâu, tháng cô hồn, tùy theo cách gọi của mỗi người.
Trong hương thị nồng nàn, lá thị vì lao xao gió thu có tiếng nức nở khe khẽ của Chức Nữ cùng những giọt mưa ngâu lã chã rơi, có tiếng thở dài của Ngưu Lang tự trách mình là đàn ông mà không thể cưỡng lại được hình phạt của thiên đình để đem tới hạnh phúc cho người mình yêu. Và có cả tiếng ri ri của đàn quạ trọc đầu, bảo nhau cố mà chịu đau để bắc cầu Ô Thước cho vợ chồng Ngâu gặp nhau, những mong chuộc được lỗi lầm xưa…
Cổ tích ngày thơ là vậy, còn hôm nay, trong hương thị, tôi còn thấy như mình được gần hơn với ông bà, tiên tổ và với cha – người đã mang một phần của niềm vui cuộc đời tôi đi mãi.
Đó phải chăng cũng là những “con ma” trong quả thị? Nếu là thật thì có lẽ vì thế mà “con ma” trong quả thị thật đáng yêu, chứ không như quan niệm của bà, của mẹ, rằng thị thơm nên ma nó thích, tôi nghĩ vậy.
*
Người đời vốn sợ ma và cũng vì sợ ma nên thường lôi ra để dọa nhau và gắn từ “ma” vào những thứ mà họ ghét, họ không ưa, hay đơn giản là họ không hiểu.
Nhưng có mấy ai biết rằng, ở đời chẳng có thứ ma nào đáng sợ bằng “ma người” – những con người đang sống với nhân cách của một con ma. Sẵn sàng tráo trở, ăn tươi nuốt sống – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng cả người thân, đồng loại. Đấy mới đích thị là thứ ma đáng sợ, thay vì “con ma” trong quả thị của tôi!
Tháng bảy lại về, tháng xá tội vong nhân cho những vong hồn được một lần trở lại cõi trần du ngoạn. Quả thị cũng vì thế mà được đi chơi. Nhưng, thị mà đi chơi thì cô Tấm buồn, bà lão thở dài, hoàng tử cắn môi thất vọng, vợ chồng Ngâu quay đi khẽ chùi nước mắt, đàn quạ áy náy suốt cả năm dài, thì thị ơi thị có biết chăng điều đó?
Thế nên, hãy vì những điều tử tế sẽ không bao giờ mất ở đời, mà ở lại với đời thị nhé.
Dù rằng phải chịu cái tiếng oan suốt đời là “thị có ma”…