Quân đội hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022, các đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và người lao động làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe, tính mạng người lao động cũng như bảo vệ tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân.
Binh chủng Đặc công trưng bày các sản phẩm ATVSLĐ của đơn vị.
Binh chủng Đặc công trưng bày các sản phẩm ATVSLĐ của đơn vị.

Nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong toàn quân tiếp tục được duy trì, tổ chức hoạt động đạt kết quả tốt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ huy, nhận thức, ý thức của người lao động về công tác này đã được nâng lên rõ rệt.

Các đơn vị lao động sản xuất tiếp tục cập nhật, quán triệt những quy định mới về công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác huấn luyện, chủ động triển khai nhiều biện pháp can thiệp, đầu tư công nghệ mới, cải tạo nhà xưởng, nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ.

Do thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nên năm 2021, tình hình tai nạn lao động trong toàn quân giảm cả về số vụ, số người bị nạn so với năm 2020. Cụ thể, số vụ tai nạn giảm 16,4%; số người bị nạn giảm 26,39%; số người tử vong giảm 22,2%; số người bị thương giảm 28,9%.

Trong năm 2021, số đơn vị được quan trắc môi trường trong toàn quân tăng 1,17 lần, số mẫu được đo đạc tăng 2,42 lần so với năm 2020. Chất lượng môi trường lao động được cải thiện, ô nhiễm tiếng ồn và hóa chất độc hại được giảm đáng kể; sức khỏe người lao động được chăm sóc ngày càng tốt hơn so với trước.

Trong công tác khám, giám định bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, năm 2021, Hội đồng giám định y khoa bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội chẩn 415 hồ sơ, xác định 101 người bị bệnh thuộc 8 đơn vị. Đồng thời, đã tổ chức giám định tổ chức giải quyết chế độ cho 163 người mắc bệnh nghề nghiệp thuộc 29 đơn vị. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã thẩm định, giải quyết đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đầy đủ chế độ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Bộ Quốc phòng đã kiện toàn, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Chương trình hoạt động về công tác ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025.

Gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy khi để xảy ra mất an toàn trong lao động

Ngày 16/2/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết về ATVSLĐ Chương trình quốc gia về giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Chương trình nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp, giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, năm 2022, toàn quân tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra ATVSLĐ; thực hiện nghiêm các quy định, quy phạm về kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ; khắc phục hiệu quả những hạn chế, loại bỏ kịp thời nguy cơ gây mất an toàn lao động. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp...

Ngoài ra, các đơn vị xây dựng đồng bộ các kế hoạch phòng, chống cháy nổ, bảo vệ đơn vị. Có giải pháp, biện pháp trong đầu tư chiều sâu công nghệ, cải thiện điều kiện lao động như công nghệ bảo quản, sửa chữa, sản xuất, bảo đảm thông gió, chiếu sáng, giảm ồn và nồng độ khí, hơi, bụi độc, xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn; lắp đặt những thiết bị mới, công nghệ tiên tiến, tăng cường tự động hóa ở những khâu, những công việc có thể để hạn chế tiếp xúc trực tiếp môi trường độc hại, nguy hiểm.

Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật đề nghị các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Lao động; Luật ATVSLĐ; các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong quân đội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cùng đó là tập trung huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật, về ATVSLĐ và kỹ năng làm việc; đặc biệt chú ý việc huấn luyện thực hành cho người lao động. Trong quá trình huấn luyện phải tổ chức kiểm tra giám sát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật của vũ khí trang bị, trạng thái sức khỏe, tâm lý, thao tác của người lao động để kịp thời có các biện pháp bảo đảm an toàn. Quá trình thu gom bảo đảm an toàn trường bắn, xử lý đạn bắn đến mục tiêu không nổ, đạn kẹt nòng... phải tuyệt đối tuân thủ quy định, quy tắc an toàn.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo ATVSLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng yêu cầu Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tham mưu, đề xuất ban hành các hướng dẫn, quy định về công tác ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp phù hợp quy định của pháp luật và đặc thù của môi trường quân sự.

Các đơn vị tiếp tục đề xuất, báo cáo Bộ Quốc phòng kiện toàn cơ quan, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ bảo đảm đồng bộ, thống nhất và thành hệ thống ngành dọc từ cơ quan cấp chiến lược đến các đơn vị cơ sở. Đồng thời, triển khai, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về công tác ATVSLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho mọi cán bộ, chiến sĩ, người lao động.

Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng đề nghị các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phải tổ chức chỉ huy chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ, tuân thủ đúng quy trình, quy định; gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy khi để xảy ra mất an toàn trong lao động tại đơn vị mình phụ trách. Đồng thời, thường xuyên áp dụng các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của người lao động; tổ chức đánh giá quản lý rủi ro tại nơi làm việc nghiêm túc, chặt chẽ.

Đọc thêm