Quân đội thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”: Đầy trách nhiệm, nặng nghĩa tình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với những việc làm thiết thực, đầy trách nhiệm, nặng nghĩa tình, thời gian qua, các quân khu, quân đoàn đã triển khai thực hiện toàn diện, có chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần tô thắm thêm bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam.

“Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc, các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 đóng góp đắc lực về sức người, sức của, với hơn 3 triệu thanh niên nhập ngũ, hơn 55 vạn thanh niên xung phong, gần 5 vạn dân công hỏa tuyến. Bởi vậy, số lượng đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn Quân khu rất lớn.

Hiện nay, Quân khu có 19.800 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 25 vạn liệt sĩ; 15 vạn thương binh; 98 nghìn người bị nhiễm chất độc da cam/diôxin; hơn 55 nghìn cán bộ Quân đội nghỉ hưu... Cùng với niềm vinh dự, tự hào về những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và lực lượng vũ trang Quân khu đứng trước nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, nhưng không ít khó khăn, đó là giải quyết chế độ, chính sách, thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 3 đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn.

Trung tướng Nguyễn Quang Cường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3 cho biết, Từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT quân khu đã quyên góp, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 16 căn nhà tình nghĩa trị giá gần 1,3 tỷ đồng, nhận phụng dưỡng 98 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, trung tâm nuôi dưỡng người có công, trợ cấp một số đơn vị khó khăn với số tiền hơn 5 tỷ đồng... Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, xoa dịu nỗi đau và giúp các đối tượng chính sách, người có công từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên cùng cộng đồng.

Quân khu 5 là chiến khu chịu sự tàn phá khốc liệt trong chiến tranh, đây cũng là địa bàn còn nhiều khó khăn so với cả nước trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Chính vì thế, công tác chính sách trên địa bàn Quân khu 5 cũng luôn có những đặc thù, khó khăn riêng, với địa bàn rộng, đối tượng chính sách nhiều, nhu cầu bảo đảm lớn; hạ tầng giao thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn; bão lũ, hạn hán diễn biến bất thường…

Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính ủy Quân khu 5 cho biết, từ năm 2015 đến nay, Quân khu 5 đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Tích cực tham gia chương trình “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn và kênh mương thủy lợi, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của các đối tượng chính sách trên địa bàn Quân khu.

Quân khu 1 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước, bao gồm 6 tỉnh, 56 huyện, thị xã, thành phố và 982 xã, phường, thị trấn. Trải qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quân và dân các tỉnh trên địa bàn Quân khu có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Quân khu 1 có 114.824 người có công, trong đó có 61.658 liệt sĩ; 22.154 thương binh; 9.405 bệnh binh; 21.395 người bị nhiễm chất độc hóa học; 175 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 30 Anh hùng LLVT và 7 Anh hùng Lao động.

Đại tá Thang Việt Hà, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 1 cho biết, trong 5 năm 2015-2020, các đơn vị đã vận động quyên góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Quân khu hơn 10 tỷ đồng; tổ chức xây dựng 51 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách; tổ chức khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho 94.751 lượt người trị giá 14 tỷ 328 triệu đồng...

Các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 1 đã thực hiện nghiêm các chế độ tiền lương, phụ cấp lương; chế độ phụ cấp đặc thù quân sự, chế độ chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; làm nhiệm vụ ở vùng biên giới; bảo đảm chặt chẽ, công khai, công bằng, kịp thời giải quyết mọi vướng mắc, phát sinh, không để đơn thư, khiếu kiện xảy ra. Từ đó góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng.

Hài cốt liệt sĩ được các đội quy tập đưa về đất mẹ.

Hài cốt liệt sĩ được các đội quy tập đưa về đất mẹ.

Làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Với trách nhiệm chính trị và nghĩa tình đồng đội sâu đậm, thời gian qua, Quân đoàn 4 đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với hậu phương Quân đội, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Do đặc điểm chiến tranh kéo dài, các đơn vị chiến đấu độc lập sâu trong lòng địch, nên phần lớn cán bộ, chiến sĩ hy sinh đ­ược đơn vị hoặc nhân dân địa phương chôn cất, nhiều liệt sĩ không xác định đư­ợc tên, tuổi, quê quán.

Hơn nữa, do đặc điểm của đơn vị chủ lực, chiến đấu cơ động liên tục, một số đơn vị sáp nhập, giải thể nhiều lần, nên việc bảo quản hồ sơ, danh sách liệt sĩ bị thất lạc nhiều, gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập. Tr­ước thực trạng đó, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng chú trọng công tác quản lý hồ sơ mộ liệt sĩ và danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích.

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi, Chính ủy Quân đoàn 4 cho biết, đến nay, Quân đoàn đã hoàn thành công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho 47.719 hồ sơ liệt sĩ, đưa vào quản lý thống nhất bằng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến viếng, tìm mộ.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chính sách các cấp tiếp tục tổ chức s­ưu tầm hồ sơ, sơ đồ mộ liệt sĩ trên các địa bàn. Việc làm đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cho thân nhân các gia đình đến tìm mộ, cũng như thực hiện các chế độ, chính sách khác.

Bên cạnh đó, Quân đoàn 4 tích cực liên hệ với những cán bộ, cựu chiến binh đã từng chiến đấu, công tác trên các chiến trường để tổ chức khảo sát và cất bốc hài cốt liệt sĩ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi Quân đoàn chiến đấu để khảo sát, tìm kiếm, quy tập, bốc cất hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang.

Điển hình là việc phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân, Phòng Lao động - Th­ương binh - Xã hội huyện Bình Long, tỉnh Bình Phư­ớc tổ chức quy tập được một mộ tập thể, với 117 bộ hài cốt liệt sĩ thuộc Đơn vị M.41, Công trường 7 hy sinh ngày 29/11/1967. Bộ T­ư lệnh Quân đoàn đã cùng địa phương khắc bia đá tập thể, tổ chức lễ an táng và lễ truy điệu trọng thể, trang nghiêm.

Hiện nay, Quân khu 1 có 61.658 liệt sĩ, trong đó 28.863 liệt sĩ thuộc đơn vị, địa phương quản lý (1.372 mộ liệt sĩ thiếu thông tin; 18.314 mộ liệt sĩ chưa quy tập). Số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập còn nhiều trong khi thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít đi. Việc quản lý, lưu trữ danh sách liệt sĩ, mộ liệt sĩ trước đây của các đơn vị, địa phương còn thủ công, chưa đầy đủ. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng còn sót nhiều bom, mìn, vật cản nổ...

Với trách nhiệm cao nhất, từ năm 2013 đến nay, Quân khu 1 đã quy tập được 4.039 mộ liệt sĩ có hài cốt (từ năm 2012 trở về trước quy tập được 3.884).

Cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan và thân nhân, gia đình liệt sĩ tổ chức tìm kiếm, cất bốc, bàn giao hài cốt liệt sĩ cho cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm trang trọng, đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán.

Đồng thời tổ chức lấy 1.267 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ. 6/6 tỉnh hoàn thành công tác kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp thôn, xã đến tỉnh… góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chính ủy Quân khu 1 cho biết, Quân khu 1 và các tỉnh trên địa bàn tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, khẩn trương, tích cực thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đạt hiệu quả cao nhất. Sớm hoàn thành cơ bản cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ để từng bước công bố cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Hoàn thành việc bàn giao sản phẩm lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn các tỉnh. Phấn đấu tìm kiếm, quy tập được phần lớn số hài cốt liệt sĩ có thể tìm kiếm được. Đồng thời phối hợp lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN đối với các mộ an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn còn thiếu thông tin…

Đọc thêm