Trước tình trạng này, HĐND TP HCM vừa có khảo sát, nhận thấy, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ tu bổ di tích: Công trình số 14 đường Cách Mạng Tháng Tám, Chùa Giác Lâm, các di tích trên địa bàn quận Thủ Đức, đình Tân Túc, đình Phú Lạc, đình Bình Trường, quán Hà Chương, hội quán Lệ Châu, đình Thông Tây Hội, chùa Phụng Sơn, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố, khách sạn Continental, đền thờ Trần Hưng Đạo...
Ngoài ra, UBND các quận/huyện đã tiến hành rà soát, thống kê các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 và tăng cường quản lý xây dựng các công trình có nguồn gốc biệt thự. Qua đó, Quận 3 có 40 biệt thự nhóm 1, 39 biệt thự nhóm 2, 17 biệt thự nhóm 3; Quận 5 có 4 biệt thự nhóm 2…
Theo nhận định của HĐND Thành phố, qua các sự cố, nhận thức của người dân, cán bộ công chức, viên chức và các cơ quan về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến khá tích cực, đầy đủ, toàn diện.
Hoạt động bảo tồn di sản và cảnh quan, kiến trúc đô thị trên địa bàn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, tập trung triển khai thực hiện của quận, huyện, sự quan tâm của cộng đồng xã hội đã tạo điều kiện cho các di tích được quản lý, bảo vệ ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, HĐND Thành phố cũng nhìn nhận, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các quận, huyện chưa thật sự hiệu quả trong việc thực hiện bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị. Một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị của di tích.
Ngoài ra, công tác kiểm kê, đánh giá phân loại biệt thự cũ còn chậm do thiếu nhân lực thực hiện. Một số chủ sở hữu thiếu sự hợp tác; một số công trình không xác định được vị trí do địa chỉ thực tế thay đổi so với danh mục kiểm kê ban đầu; chủ sở hữu tự ý phá hủy hoặc tháo dỡ công trình không theo quy định...
“Sớm ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố; phân cấp quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý di tích lịch sử - văn hóa...” - HĐND Thành phố nêu kiến nghị với UBND Thành phố.
Đồng thời, theo HĐND Thành phố, phía ủy ban cần đặc biệt quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo kịp thời đối với các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng và hư hỏng nặng. Xây dựng chính sách xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa.
Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân loại biệt thự; rà soát xem xét đưa ra danh mục những biệt thự, công trình không có giá trị, không cần phải bảo tồn để tạo điều kiện cho người dân tu bổ, sửa chữa, sử dụng hiệu quả.
“Cuối cùng, Thành phố cần tăng cường giám sát trong việc quản lý trật tự xây dựng đối với các trình biệt thự đã được phân loại vào nhóm phải bảo tồn; các biệt thự cũ đang quá trình phân loại…” – phía HĐND cho hay.