Những năm qua, bên cạnh những diện tích rừng phi lao tự nhiên và người dân các xã ven biển trồng tự phát, tỉnh Quảng Bình đã tập trung trồng mới nhiều diện tích rừng. Năm 2021 và 2022, hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Bình cùng các sở, ban, ngành và nhân dân đã trồng cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới. Trong đó, trên diện tích 3ha thuộc khoảnh 3, tiểu khu 353A, số phi lao trồng trong dịp xuân Tân Sửu năm 2021 hiện sinh trưởng và phát triển ổn định.
|
Cây phi lao trồng trong dịp Xuân Tân Sửu năm 2021 hiện sinh trưởng và phát triển khá tốt. |
Ông Đinh Thanh Quang, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) thành phố Đồng Hới cho biết; trồng rừng phòng hộ ven biển là một trong những thách thức lớn bởi khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt cao, đất nghèo dinh dưỡng… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân, các diện tích rừng nơi đây cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt.
Nói về khu vực rừng trồng trong dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2021 với sự có mặt của nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, ông Quang khẳng định, đến thời điểm này, tỷ lệ cây sống là trên 95% và sinh trưởng tốt.
|
Khu vực rừng trồng ven biển Quang Phú Xuân Tân Sửu 2021 hiện phát triển tốt với tỷ lệ cây sống đạt 95%. |
Đây là con số rất cao đối với trồng rừng phòng hộ ven biển. Các khu vực rừng đại trà lân cận có tỷ lệ sống bình quân gần 75%, đạt yêu cầu đối với rừng phòng hộ ven biển. Với thời gian thực hiện trồng và chăm sóc kéo dài 5 năm, vào chính vụ trồng rừng (tháng 8-9 hàng năm), đơn vị tiến hành trồng dặm, thay thế các cây bị chết.
“Cứ như thế, kết thúc một chu trình trồng rừng, tỷ lệ cây sống và sinh trưởng ổn định phải đạt 70% trở lên, chúng tôi mới được hoàn công. Không chỉ trồng rừng trên những diện tích cát ổn định, chúng tôi còn mạnh dạn trồng thí điểm ở một số khu vực cát di động để thử sức chống chịu với hy vọng phủ rừng rộng hơn và hạn chế các diện tích cát di động trong khu vực!”, ông Quang cho biết thêm.
Với diện tích rừng trồng trong dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2021, BQLRPH thành phố Đồng Hới đã khoan giếng và đầu tư hệ thống vòi tưới nước. Đồng thời giao Đội bảo vệ rừng ven biển đóng tại địa bàn xã Quang Phú với 5 nhân viên có trách nhiệm bảo vệ rừng 5 xã, phường, gồm; Lộc Ninh, Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh và Đồng Phú chăm sóc để rừng trồng phát triển ổn định.
“Nhiệm vụ của Đội là phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng không bị chặt phá, lấn chiếm, đặc biệt là chăm sóc các diện tích rừng trồng mới để cây sinh trưởng ổn định. Về diện tích rừng thuộc khoảnh 3, tiểu khu 353A xã Quang Phú, một năm qua chúng tôi đã tập trung chăm sóc nên số cây trồng tại lễ phát động và cây trồng đại trà cơ bản phát triển tốt, đạt và vượt yêu cầu về tỷ lệ sống của rừng phòng hộ ven biển!”, ông Phạm Anh Tuấn, nhân viên Đội bảo vệ rừng thuộc BQLRPH thành phố Đồng Hới khẳng định.
Ngoài trách nhiệm phối hợp với BQLRPH thành phố Đồng Hới trong bảo rừng phòng hộ tại khoảnh 3, tiểu khu 353A, chính quyền và nhân dân xã Quang Phú đã nỗ lực chung tay cùng nhiều tổ chức, dự án để phát triển cây phi lao ven biển.
|
Công việc thường nhật của nhân viên Đội bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. |
Ông Lê Nhất Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho biết thêm: “Trồng cây phi lao gần như là bản năng tự nhiên của người dân trong xã. Bà con trồng trong vườn, bên đường, ven biển…, cứ nơi nào được phép thì trồng. Khoảnh 3, tiểu khu 353A do BQLRPH thành phố Đồng Hới chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc, chúng tôi phối hợp bảo vệ. Tôi thường xuyên trao đổi với lãnh đạo BQLRPH thành phố Đồng Hới để kịp thời cập nhật tình hình nhằm chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả.
Trồng rừng trên cát sẽ có tỷ lệ cây chết nhất định, thực tế ở khoảnh 3, tiểu khu 353A, BQLRPH thành phố Đồng Hới chăm sóc tốt nên số cây chết thấp và hàng năm đều được trồng dặm. Bên cạnh nhiệm vụ phối hợp bảo vệ rừng khoảnh 3, tiểu khu 353A, địa phương cũng đã trồng và chăm sóc tốt các diện tích rừng phòng hộ do Hội Nông dân tỉnh phối hợp. Không chỉ yêu rừng, yêu cây phi lao, người dân Quang Phú rất có kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây này nên các diện tích rừng địa phương phối hợp bảo vệ đều phát triển khá tốt...”.
|
Màu xanh của rừng trồng mới đang hòa vào màu xanh rừng trồng trước đó. |
Ông Phạm Thái Sỹ, thôn Tân Phú, xã Quang Phú là minh chứng cụ thể nhất. Khi BQLRPH thành phố Đồng Hới khoan giếng tưới cây, ông Sỹ đã hỗ trợ điện miễn phí từ nhà hàng của mình để vận hành.
Khi được hỏi về việc tiền điện hàng tháng không nhỏ, vì sao ông miễn phí, ông Sỹ vui vẻ nói “Tỉnh trồng rừng trên đất xã tôi, nhà hàng của tôi cũng được hưởng lợi từ rừng, đóng góp để chăm sóc cây là việc bình thường. Các anh em đội bảo vệ rừng cũng chỗ thân quen, hàng ngày thấy mọi người làm việc vất vả, tôi cũng muốn góp chút sức thôi”.
|
Giếng khoan để phục vụ chăm sóc rừng trồng mới. |
Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của 5 xã, phường, 5 nhân viên Đội bảo vệ rừng thuộc BQLRPH thành phố Đồng Hới dù nắng, hay mưa họ luôn làm hết trách nhiệm và thay phiên nhau nghỉ mỗi người 1 ngày trong tuần. Với mức lương chưa đầy 5 triệu đồng/người/tháng nhưng khối lượng công việc mà họ phải đảm nhận là rất lớn, mà nếu không có tình yêu và trách nhiệm với rừng, họ khó có thể chu toàn.
“Trồng, chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng được giao, trong đó có rừng phòng hộ ven biển được trồng qua các đợt phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” không chỉ là công việc chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị của đơn vị, chúng tôi quyết tâm bảo đảm mục tiêu thành rừng đối với các diện tích này sau thời gian chăm sóc theo quy định!”, ông Đinh Thanh Quang nhấn mạnh.
|
Duy trì màu xanh trù phú của dải đất ven biển khắc nghiệt ở Quảng Bình. |
Là địa phương đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ rừng với 68%, những năm qua, Quảng Bình không ngừng đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng. Năm 2021, toàn tỉnh đã trồng mới 268 ha phi lao trên diện tích rừng phòng hộ ven biển. Năm 2022, cùng với việc chăm sóc, bảo đảm sự sinh trưởng ổn định của các diện tích rừng đã trồng, theo kế hoạch, Quảng Bình tiếp tục trồng 260 ha rừng phòng hộ gồm phi lao ven biển và bần tại các vùng rừng ngập mặn.
“Bảo vệ tuyệt đối, không chuyển đổi rừng phòng hộ là mục tiêu, quyết tâm của tỉnh nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, thực hiện chiến lược phát triển bền vững”, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết thêm.