Quảng Bình: Chính quyền “giam lỏng” dân vì quy hoạch “treo”

(PLO) - Bảy hộ dân có đất ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) tố cáo rằng: Từ năm 2006, dù đã cấp đất cho họ kèm sổ đỏ hẳn hoi nhưng đến nay, chính UBND TP. Đồng Hới lại tước quyền xây nhà để ở của họ.
Phần đất thổ cư thuộc sở hữu hợp pháp của người dân nhưng bị tước quyền xây nhà ở.
Phần đất thổ cư thuộc sở hữu hợp pháp của người dân nhưng bị tước quyền xây nhà ở.
Dù nhu cầu xây nhà để ở đã rất bức bách nhưng suốt 9 năm qua, hết lần kiến nghị phản ánh này đến cuộc họp dân khác, chưa một cấp chính quyền nào cho họ một câu trả lời thỏa đáng.
Khổ sở trong vùng quy hoạch dở
Năm 2006, 7 hộ dân Nguyễn Văn Oai, Lê Thế Thạnh, Nguyễn Ngọc Hoan, Nguyễn Trung Kiên, Phạm Văn Việt, Nguyễn Văn Phong (đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Long) và Nguyễn Xuân Lệ (đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Bíu) sau khi hoàn thành các thủ tục hợp pháp, đóng tiền mua đất thì được UBND TP. Đồng Hới cấp 7 lô đất thổ cư sát bên bờ sông Nhật Lệ, thuộc địa phận thôn Mỹ Cảnh, phía Bắc xã Bảo Ninh.
Theo Ban Địa chính xã Bảo Ninh thì 7 lô đất này là các thửa số 240, 241, 242, 245, 246, 248 và 263, có tổng diện tích 1.630,5m2 và nằm trong tờ bản đồ số 33 của bản đồ địa chính xã Bảo Ninh.
Nhưng theo anh Lê Thế Thạnh (SN 1971) – người được cấp đất tại đây cho biết, năm 2005, thấy có đất thành phố bán ở gần gia đình bên nội, vợ chồng anh chạy vạy vay mượn đủ đường để mua. Có đất như ý, được cấp sổ đỏ hẳn hoi, ngay năm sau  vợ chồng anh quyết định xây nhà để an cư, ổn định làm ăn, chẳng ngờ lại lâm vào hoàn cảnh ấy.
Và trường hợp của anh Thạnh không là duy nhất, hầu hết cả 7 hộ dân được cấp đất ở đây đều có nhu cầu làm nhà ở rất chính đáng, nhưng cứ cầm hồ sơ đi xin phép xây dựng thì tất thảy đều bị cơ quan chức năng khước từ một cách vô lý.
“Từ thời điểm đó đến nay, mỗi lần tôi muốn xây nhà ra ở riêng, làm thủ tục xin phép xây dựng thì không một cơ quan chức năng nào cấp và giải thích thỏa đáng, dù đây là đất thuộc sở hữu hợp pháp của tôi - đứng cùng chúng tôi trên mảnh đất của mình làm chủ nhưng phải bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, anh Thạnh kể ra vô số điều khổ sở - Tôi lấy vợ hơn chục năm nay, đã có 2 mặt con rồi mà vẫn phải ở chung với gia đình bố mẹ ruột. Bố mẹ nghèo, nhà chật chội, lại đông con, vợ chồng tôi sinh hoạt cùng trong gia đình 3-4 thế hệ nên bất tiện, khó khăn đủ đường…”.
Các hộ dân chung hoàn cảnh với anh Thạnh cho biết, từ nhiều năm trước UBND xã Bảo Ninh có văn bản thông báo rằng, phần đất do UBND thành phố Đồng Hới cấp cho 7 hộ dân này bị ảnh hưởng bởi quy hoạch kè Nhật Lệ thuộc khu vực thôn Mỹ Cảnh nên những người sở hữu đất này không được xây dựng nhà ở hoặc các công trình khác.
Chờ đến bao giờ?
Trở lại với các hộ dân, anh Nguyễn Trung Kiên vừa kể vừa lắc đầu ngao ngán: “Chính quyền cư xử như vậy khác nào giam lỏng người dân! Bởi đất chúng tôi bỏ tiền ra mua với đầy đủ các thủ tục hợp pháp, thành phố cấp sổ đỏ rất rõ ràng nhưng chưa ai có một chỗ ở ổn định được vì không có “quyền” làm nhà trên đất của mình”.
Các hộ dân sau nhiều lần, hết kiến nghị trong các cuộc họp dân đến cả đơn thư phản ánh gửi UBND xã thì đến ngày 3/7/2013, UBND xã Bảo Ninh tổ chức họp 7 hộ dân này để tổng hợp ý kiến. Ngày 5/7/2013, UBND xã có bản Báo cáo số 42BC/UBND gửi Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới với nội dung: Tất cả 7 hộ đều nhất trí cấp đổi đất nếu nằm trong diện quy hoạch kè Nhật Lệ, đề nghị UBND TP.Đồng Hới, UBND xã Bảo Ninh giải quyết theo nguyện vọng của các hộ gia đình.
Ngoài phương án trên, những lô đất ngoài quy hoạch đề nghị UBND thành phố xác định phạm vi và cho phép được xây dựng nhà ở, công trình theo quy định.
Báo cáo của UBND xã Bảo Ninh là vậy nhưng mãi đến ngày 31/3/2014, UBND TP. Đồng Hới mới có Văn bản số 301 do ông Hoàng Đình Thắng – Phó Chủ tịch ký gửi  UBND xã Bảo Ninh và chỉ thông báo ngắn gọn, sơ sài với ý rằng: Việc kiến nghị của 7 hộ dân bị ảnh hưởng quy hoạch kè Nhật Lệ sẽ được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo quy định sau khi có dự án đầu tư xây dựng đoạn kè Nhật Lệ còn lại này.
Việc cấp đất ở cho nhân dân hợp pháp, tạo mọi điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp là việc mà chính quyền các cấp cần quan tâm và có nghĩa vụ thực hiện. Trường hợp của 7 hộ này, UBND TP.Đồng Hới cấp đất thổ cư rồi lại “tước” quyền xây nhà của họ trong suốt 9 năm dài. Và khi biết đất mình nằm trong quy hoạch kè sông Nhật Lệ, họ đồng ý cấp đổi đất mới để được làm nhà ở nhưng thành phố vẫn không giải quyết.
UBND TP. Đồng Hới nói rằng sẽ bồi thường, hỗ trợ sau khi có dự án đầu tư xây dựng đoạn kè Nhật Lệ còn lại. Nhưng chờ đến bao giờ, khi để có những miếng đất này, nhiều người đã phải vay tiền ngân hàng để mua, bây giờ lãi chồng lãi nhưng nhà ở mãi vẫn chưa được xây?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm