Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, đến cuối tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có 5.616 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng vốn đăng ký 68.033 tỷ đồng, trong đó số lượng lao động hơn 50.000 người.
Với con số nói trên, áp lực đặt lên ngành LĐ-TB&XH phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề quản lý, nhất là lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tai nạn lao động diễn biến ngày càng phức tạp; ý thức, kỷ luật và tác phong của người lao động còn nhiều hạn chế, các yếu tố, nguy cơ mất an toàn do công nghệ, thiết bị lạc hậu vẫn còn nhiều.
Vì vậy, các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động cần tập trung quyết liệt triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh lao động như lĩnh vực khai thác đá, cần thực hiện đúng thiết kế khai thác; tuân thủ nghiêm các quy chuẩn, quy phạm trong khai thác đá lộ thiên cũng như an toàn lao động trong khai thác, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ.
Theo đó ngành tập trung kiểm tra công tác huấn luyện ATVSLĐ, PCCN, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, ngành LĐ-TB&XH tỉnh cũng luôn hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của người lao động và người sử dụng lao động. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định và phát triển xã hội.
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về các kế hoạch, nội dung, chương trình hành động cụ thể nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…
Chú trọng lồng ghép các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giải quyết việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Nhờ vậy, tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động với số lao động làm việc từ 3 tháng trở lên có xu hướng tăng cao, trên địa bàn tỉnh những năm qua chỉ xảy ra một số ít vụ tranh chấp lao động cá nhân, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công.
Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tỉnh cũng tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật tại các doanh nghiệp. Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh để tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nâng cao tay nghề, áp dụng thành thạo các quy trình, quy chuẩn kĩ thuật để vận hành máy móc, thiết bị an toàn gắn với vệ sinh an toàn lao động. Đảm bảo sức khỏe và các điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thực hiện có hiệu quả năng suất lao động, nâng cao thu nhập, đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như sự lớn mạnh của ngành công nghiệp - xây dựng.
Qua đó, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố Quốc phòng an ninh, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần ổn định trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.