Quảng Bình: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(PLVN) - Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là mục tiêu quan trọng nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Với tầm quan trọng đó, những năm qua Quảng Bình đã tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy thiếu và yếu... sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo còn chưa mạnh mẽ…
Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình, nơi đào tạo những công nhân có chất lượng cao
Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình, nơi đào tạo những công nhân có chất lượng cao

Là nhiệm vụ quan trọng

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp hiện nay, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội: bất bình đẳng, đói nghèo, các vấn đề về môi trường, sự tiến bộ về mọi mặt của xã hội....

Vì vậy, trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, phát triển công tác đào tạo nghề. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN;

Chỉ đạo các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo nhằm thu hút tuyển sinh học nghề; đầu tư cơ sở vật chất thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình mục tiêu cho các trường cao đẳng, trung cấp và các trung tâm Giáo dục – Dạy nghề cấp huyện nhằm nâng cao năng lực đào tạo;

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người nghèo, thanh niên xuất ngũ, lao động bị mất việc làm, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp...

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng thương hiệu nên đã tích cực đầu tư thiết bị đào tạo hiện đại, chỉnh sửa xây dựng mới các chương trình đào tạo, đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, lấy học sinh làm trung tâm, tổ chức dạy học tích hợp (tích hợp lý thuyết và thực hành)  để nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên.

Người học sớm được tiếp cận, sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại, được thực hành tại cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng được yêu của tuyển dụng của doanh nghiệp. Để đào tạo đội ngủ lao động có tay nghề cao, nhiều trường đã chủ động tổ chức cho các giáo viên đi học tập nâng cao kỹ năng nghề như giáo viên của Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình được cho đi học tập tại Hàn Quốc, hoặc có các chuyên gia Hàn Quốc sang đào tạo bồi dưỡng hướng dẫn chuyển giao công nghệ tại Trường.

”Mô hình tổng quan ô tô động cơ phun xăng điện tử” đạt giải Nhì toàn quốc của trường Trung cấp Du lịch, Công nghệ số 9
”Mô hình tổng quan ô tô động cơ phun xăng điện tử” đạt giải Nhì toàn quốc của trường Trung cấp Du lịch, Công nghệ số 9 

Giải pháp nào cho chiến lược mới

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để tăng năng suất lao động nhưng sẽ rất khó thành công nếu không có những chính sách đồng bộ để cải thiện chất lượng đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Hiện nay, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều khó khăn nhất định.

Theo Ông Nguyễn Trường Sơn (Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình) cho biết: Nhiều năm trở lại đây, Quảng Bình chú trọng đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề cao, nhiều ngành nghề sản xuất công nghiệp có “hàm lượng công nghệ chất xám cao” và các ngành du lịch, dịch vụ được ưu tiên đào tạo.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới chương trình, phương thức tổ chức đào tạo,đội ngũ nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn trau dồi kiến thức, tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, sáng tạo trong tự làm thiết bị đào tạo… góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Hàng năm, các cơ sở đào tạo trên địa bàn đào tạo từ 15.000 – 15.500 người, trong đó trên 10% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng, gần 80% lao động qua đào tạo đều tìm dược việc làm, phần lớn đáp ứng được yêu cầu của các Doanh nghiệp”.

Đặc biệt, trước thách thức về cung ứng lao động chất lượng cao, Quảng Bình đã thông qua đề án đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2010–2020; Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, hỗ trợ dào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp nhở và vừa.

Tỉnh khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết công tác đào tạo với GQVL cho người lao động ở các khu, cụm công nghiệp như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp...

Với quy mô hiện có 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp nghề và 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Với sứ mệnh đào tạo nhân lực phục vụ tỉnh nhà, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình, Trường Cao đẳng công, nông nghiệp và các trường nghề trong tỉnh đang tập trung mở rộng ngành nghề đào tạo, đặc biệt, tập trung đào tạo các ngành, nghề đang có nhu cầu cao như xây dựng, công nghệ ô tô, du lịch, dịch vụ,công nghệ thông tin, hóa dầu - hóa chất, ngoại ngữ, cơ khí hàn, gò, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật lái máy công trình…

Không những vậy, các trường học còn chủ động liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng, đại học trong nước, vì vậy, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Mới đây, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình được Dự án ODA Hàn Quốc và sự hỗ trợ không hoàn lại của tổ chức hợp tác quốc tế KOICA về trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ nhà giáo được đào tạo nâng cao, chuyển giao công nghệ tại Hàn Quốc, trị giá 500.000 USD. Trường Trung cấp Du lịch và Công nghệ số 9 đã thực hiện ký kết biên ban ghi nhớ đối với một số trường Đại học, cao đẳng của Hàn Quốc để đào tạo nhân lực tốt để cung ứng lao động cho địa phương.

Lao động được coi là nguồn lực quan trọng, quý báu nhất và có vai trò quyết định sự thành công của quá trình CNH-HĐH đất nước. Vì vậy, chúng ta cần tập trung tối đa mọi nguồn lực, đào tạo bài bản, thay đổi tư duy, lề lối làm việc để cung ứng được một lực lượng lớn lao động đủ tài, đủ lực, đưa Quảng Bình sớm trở thành một tỉnh có nền công nghiệp vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Đọc thêm