Tính từ đầu năm đến nay, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn về việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động cho trên 36.000 lượt người, trong đó: Số lao động được các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh giới thiệu và cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 2.308 người: Số người đi xuất khẩu lao động (du học) 810 người: Tiếp nhận 3.045 hồ sơ người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 2.936 trường hợp; tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.086 người…
Trong năm, các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được trên 50 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Sàn giao dịch việc làm, thu hút 129 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và 4.673 lượt người lao động được tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm.
Theo đó Sở cũng tạo điều kiện cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có uy tín tuyển dụng lao động trong tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy SX-KD, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Theo ông Lê Xuân Dục - Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐTB&XH) cho biết: Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm của tỉnh Quảng Bình đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). Những kết quả đó đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, những gia đình đã có người thân lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá nên đã tư vấn thêm cho anh em họ hàng cùng đi. Có người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi lần 2 với mong muốn có thêm vốn lập nghiệp. Hiện, toàn đã có 3.350 lao động được tuyển dụng đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 112% kế hoạch năm), trong đó: chủ yếu đi các thị trường như: Đài Loan 1.250 lao động, Hàn Quốc 650 lao động (EPS: 235 người), Nhật Bản 950 lao động (IM Japan 42)... Hàng năm, lượng tiền của lao động làm việc ở nước ngoài gửi về hơn 200 tỷ đồng, góp phần giúp bà con nhân dân xây dựng, chỉnh trang nhà ở, mua sắm ngư cụ, đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình chăn nuôi, đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội đã quan tâm chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố giải ngân nguồn vốn vay xuất khẩu lao động. Kết quả, đã giải ngân được 4.537 triệu đồng, với 67 lao động được vay ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt là sau sự cố môi trường biển, với số tiền đền bù của ngư dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh đều sử dụng tiền đền bù đúng mục đích như: đầu tư sửa chữa, nâng cấp ao hồ nuôi trồng thủy sản, ruộng muối, đầu tư nâng cấp, mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán những tàu có công suất từ dưới 90CV lên trên 90 CV, đóng mới tàu thuyền công suất lớn từ 90CV trở lên để đánh bắt trên biển có hiệu quả, học nghề để chuyển đổi nghề hoặc đi xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 9.500 lao động tại khu vực này.
Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, nhiều người đi XKLĐ và có người thân đi XKLĐ còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại thôn, xóm. Nhờ đó, hệ thống đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, đường điện chiếu sáng, công trình phúc lợi khác cũng được xây dựng khang trang. Diện mạo nông thôn mới nhiều xã trong tỉnh ngày càng khởi sắc...
Nhìn chung trong năm 2018, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh Quảng Bình cơ bản đã triển khai đúng hướng; Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu xã hội; Sức hút lao động trong các doanh nghiệp khá khiêm tốn do quy mô nhỏ lại vừa thiếu; Tỷ lệ người đi XKLĐ ở Hàn Quốc theo chương trình hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc (EPS) ở lại bất hợp pháp còn cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động trong nước muốn đi XKLĐ.
Để giải quyết những vấn đề tồn tại trên: Ông Phạm Thành Đồng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết: Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho người lao động; về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề; quảng bá những mô hình hay, những gương điển hình lập nghiệp, giải quyết việc làm mới sau khi học nghề để nhân rộng trong xã hội. Chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016- 2020; rà soát và phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2019- 2020 của địa phương, đảm bảo gắn liền với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế- xã hội; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, HTX, làng nghề, vùng chuyên canh…
Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững. Cần nắm chắc dữ liệu thông tin về thị trường lao động tại các địa phương và từng doanh nghiệp. Qua đó, nắm chắc nhu cầu lao động của xã hội, doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm sát với yêu cầu của thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người học từ khâu khảo sát xác định nhu cầu đào tạo đến khâu tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động. Các địa phương cần làm tốt công tác xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để cùng hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo theo địa chỉ sử dụng của địa phương, doanh nghiệp; đào tạo những nghề cần thiết và có chất lượng; chú trọng liên kết giữa người lao động và doanh nghiệp, giúp người lao động đã qua đào tạo, học nghề sớm có việc làm. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh không thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định của pháp luật đối với người lao động. Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đối tượng chính sách có công với cách mạng, tích cực hỗ trợ các đối tượng hoàn tất hồ sơ, thủ tục để được hưởng trợ cấp theo quy định. Tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.