Để giải bài toán trên, rất cần sự ra quân đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tài xế và đặc biệt là sự tham gia quản lý, giám sát của người dân địa phương là những giải pháp hiệu quả nhất, góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn.
Theo đó năm 2022, lực lượng CSGT-TT, Công an huyện Bố Trạch đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT. Trong đó, tập trung tuần tra, kiểm soát ở khu vực có các điểm mỏ khai thác cát, đá vật liệu xây dựng, các tuyến đường có lưu lượng, phương tiện hoạt động vận chuyển lớn để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm hàng chục trường hợp vi phạm về công tác đảm bảo TTATGT và vệ sinh môi trường.
Theo Trung tá Hoàng Ngọc Ký - Phó Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Bố Trạchcho biết, “Để đảm bảo TTATGT lực lượng CSGT Công an huyện đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tập trung xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là cơi nới thành, thùng xe để chở quá tải. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền, ký cam kết với các đơn vị vận tải, người dân có phương tiện vận tải và cả đối với đơn vị có mỏ VLXD để chấp hành nghiêm các quy định, không để VLXD rơi vãi, làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như đảm bảo TTATGT”.
Từ những giải pháp, đồng bộ quyết liệt của các cơ quan chức năng thì rất cần ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh, vận chuyển vật liệu xây dựng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác đảm bảo TTATGT cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân ở các khu vực khai thác mỏ và các địa bàn có phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng thường xuyên hoạt động. Từ đó, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, cuộc sống của người dân và đóng góp vào an sinh xã hội tại địa phương.
Lực lượng CSGT, Công an huyện Bố Trạch cân trọng tải phương tiện, khi có dấu hiệu quá tải. |
Ông Phan Thanh Chính, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Hoàng An, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ, xác định trong quá trình khai thác vận chuyển cát của công ty thì cũng không tránh khỏi việc có thể rơi vãi, làm ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, chúng tôi quản lý chặt ngay từ khi xe xuất bến tại mỏ, luôn nhắc nhở lái xe, chở đúng tải trọng, che bạt gọn gàng. Ngoài ra, chúng tôi còn hợp đồng với chi hội phụ nữ các thôn, xóm để phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường, hàng ngày, hàng tuần để quét dọn cát rơi vãi, mùa nắng có xe đi phun nước thường xuyên.
Là tài xế thường xuyên chở VLXD, Anh Nguyễn Thái Sơn, xóm 3, thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch cam kết, khi ra khỏi bến thì quét dọn vệ sinh xe để tránh cát còn thừa rơi vãi, chạy đảm bảo tốc độ, chở đúng tải trọng để đảm bảo an toàn.
Việc quét dọn, vệ sinh môi trường vừa thiết thực vừa giúp hội phụ nữ có kinh phí hoạt động. |
"Để góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, tại địa phương trong tuần có từ 2 đến 3 buổi các chị em phụ nữ trong thôn, xóm đã thường xuyên quét dọn vệ sinh môi trường nơi các tuyến đường có xe chở cát đi qua. Việc làm này vừa thiết thực vừa giúp hội có kinh phí hoạt động, và đảm bảo vệ sinh môi trường", chị Lê Thị Giang, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm Đông Dinh, thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch cho biết thêm.
Nhân dân 2 bên đường đều tham gia quét dọn, lại có thêm thu nhập nên đời sống ổn định hẳn. |
Ngoài các giải pháp nói trên thì sự tham gia, quản lý, giám sát của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đối với hoạt động khai thác, vận chuyển cát, đá vật liệu xây dựng sẽ góp phần đảm bảo các doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt các cam kết về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các khu vực, tuyến đường có điểm mỏ khai thác cát, đá, vật liệu xây dựng cũng như công tác đảm bảo ANTT, TTATGT. Và khi đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu xây dựng của người dân, đồng thời, tăng thu cho ngân sách Nhà nước và có những đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Phạm Công Chức, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch chia sẻ với phóng viên. |
Ông Phạm Công Chức, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch chia sẻ thêm, trước đây, vào năm 2015 và 2016, có 4 đến 5 đơn vị khai thác cùng một lúc, xe vận chuyển trọng tải lớn khai thác ồ ạt, không kể giờ giấc nên bà con rất bức xúc và bà con đã kéo nhau ra ngăn cản, cũng đã xảy ra một số sự việc mất ANTT, ảnh hưởng đến địa phương. Tuy nhiên, hiện nay khi được quy hoạch lại, trên địa bàn thôn cũng chỉ có một doanh nghiệp hoạt động và được cấp phép hoạt động theo đúng quy định, được người dân, chính quyền thôn và cấp trên đồng tình, ủng hộ.
“Tại các xã vùng Nam huyện Bố Trạch nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung hiện chưa có mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nào, trong khi đó nhu cầu xây dựng cơ bản lớn, nhất là tại địa phương. Trong khi nguồn cát phục vụ xây dựng cơ bản ở địa phương có sẵn, giá ưu ái hơn mua từ chỗ khác về, doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, nhưng địa phương lại phải đi hàng chục km để mua cát ở địa phương khác về. Đây là điều rất bất cập, không chỉ lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên do có không ít đối tượng xúc trộm cát bán ra thị trường”, ông Chức cho biết thêm.
Hàng ngày, hàng tuần đều có xe đi phun nước thường xuyên. |
Trao đổi với ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) khẳng định, về phía địa phương thì quá lợi, cán bộ và Nhân dân thì đồng tình cao, vì tất cả bà con hai bên đường đều tham gia quét dọn do có thêm thu nhập nên đời sống ổn định hẳn. Hơn nữa, khi bà con có nhu cầu xây dựng nhà ở thì không những được hỗ trợ nguồn cát mà cũng được giảm hơn 10 triệu vì chi phí vận chuyển, ngoài ra đơn vị còn ủng hộ nhà văn hóa thôn Đông Bắc, thôn Lý Nhân và các đoàn thể khá nhiều… nói chung là quá tốt. Việc mỏ cát hoạt động tại địa phương sẽ giúp giảm giá vật liệu trên địa bàn, tránh được hiện tượng khai thác trộm đã xảy ra trong nhiều năm nay, gây mất ANTT tại địa phương.
Góp phần tăng thu ngân sách và các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. |
Có thể khẳng định, lĩnh vực khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, vật liệu xây dựng là một trong những lĩnh vực nhảy cảm, bởi nó có tác động trực tiếp đến môi trường và cuộc sống của người dân. Vì vậy, không thể phủ nhận, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp khó có thể tránh khỏi những mặt còn hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, nếu có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như ý thức, trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp và sự tham gia quản lý, giám sát chặt của người dân như ở huyện Bố Trạch thì sẽ đảm bảo hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp và đảm bảo môi trường, từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội, từng bước nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn.