Quảng Bình thực hiện linh hoạt công tác đảm bảo ATVSLĐ trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là giải pháp phòng, chống tác động các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Thực hiện tốt công tác này sẽ duy trì và phát triển được nguồn nhân lực, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội mới bền vững.

Năm 2021, trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, xã hội vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh cũng như để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người lao động (NLĐ), Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức… căn cứ vào đặc điểm và điều kiện của ngành, lĩnh vực của mình để thực hiện hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 đạt hiệu quả thiết thực.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao hơn nữa ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ và các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) trong các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh.

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty CP bia Hà Nội-Quảng Bình

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty CP bia Hà Nội-Quảng Bình

Với chủ đề “ Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”. Theo đó, Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai các hoạt động như; thăm, động viên, tặng quà các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN có hoàn cảnh khó khăn và thân nhân các gia đình bị TNLĐ gây tử vong… trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội nội bộ để tuyên truyền các chế độ, chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ rủi ro về TNLĐ, BNN tới các doanh nghiệp, NLĐ. Đẩy mạnh truyền thông bằng việc xây dựng, phát sóng các thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa TNLĐ, BNN…trên báo, đài của tỉnh, trung ương và hệ thống các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và hệ thống thông tin của doanh nghiệp.

Tổ chức các hoạt động kiểm tra liên ngành tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và tư vấn, hướng dẫn về kỹ năng làm việc an toàn, phòng ngừa TNLĐ, BNN cho NLĐ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp và thực thi Luật ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong khuôn khổ Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, do diễn biến phức tạp dịch COVID-19, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình chỉ thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại 6 DN trên địa bàn. Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung vào những nội dung như; nội quy, kế hoạch và tổ chức thực hiện ATVSLĐ tại nơi làm việc; công tác huấn luyện ATVSLĐ; chăm sóc sức khỏe và thực hiện chế độ cho NLĐ; kiểm định máy, thiết bị; biện pháp cải thiện điều kiện, môi trường lao động…

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng hướng dẫn các DN trên địa bàn, thực hiện tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về sở; đồng thời khuyến cáo, các cấp công đoàn, công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tự tiến hành kiểm tra công tác ATVSLĐ nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và trường hợp nguy cơ rủi ro có thể xảy ra nơi làm việc để kịp thời ngăn chặn.

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty CP nước khoáng Bang Quảng Bình

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty CP nước khoáng Bang Quảng Bình

Theo ông Đoàn Xuân Toản, Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cơ bản quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ; cụ thể như xây dựng kế hoạch và nội quy ATVSLĐ, thực hiện nghiêm túc việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ tại nơi làm việc, việc kiểm soát môi trường lao động, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc được quan tâm thực hiện.

Ngoài ra, các doanh ngiệp cũng chủ động rà soát, đánh giá rủi ro, áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị nhằm phòng ngừa các nguy cơ rủi ro gây TNLĐ, BNN. Các doanh nghiệp sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ thực hiện việc kiểm định theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, NLĐ có ý thức chấp hành nghiêm túc nội quy, quy trình ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, làm việc tại đơn vị; tích cực tham gia cùng người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp; ý thức sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa các TNLĐ, BNN cho chính bản thân NLĐ…

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty CP nước khoáng Bang Quảng Bình

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty CP nước khoáng Bang Quảng Bình

Tuy nhiên, cũng còn một số doanh nghiệp vẫn còn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ những quy định của pháp luật về ATVSLĐ như: Việc đầu tư cải tiến công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm an toàn, cải thiện điều kiện lao động còn hạn chế; xây dựng tổ chức bộ máy chuyên trách về ATVSLĐ gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng chưa thực hiện kiểm định lại các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ hoặc chưa thực hiện khai báo sử dụng cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo quy định; tại thời điểm kiểm tra chưa thực hiện huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ cho nhóm đối tượng NLĐ làm các ngành, nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định.

"Từ tình hình thực tế cho thấy; công tác ATVSLĐ hiện nay, ngoài tháng cao điểm, các cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; đặc biệt là tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.

Đối với các DN, người sử dụng lao động phải thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NLĐ, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm BNN cho NLĐ; đồng thời, kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không bảo đảm an toàn… Điều quan trọng nhất, NLĐ phải luôn nâng cao ý thức trong việc tự đánh giá nguy cơ rủi ro trước và trong quá trình lao động để phòng ngừa TNLĐ, BNN" - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Đọc thêm