Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thái Nguyên và Sở Du lịch Quảng Bình đã giới thiệu về đặc điểm, tiềm năng, sản phẩm dịch vụ, chương trình kích cầu du lịch của hai tỉnh. Quảng Bình được biết đến như miền đất bí ẩn bất tận, hang động của thế giới, thiên đường khám phá trải nghiệm. Thái Nguyên có vị trí trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, với nhiều dân tộc anh em có nền văn hóa đặc sắc.
Thái Nguyên có khoảng trên 20 hang động, trong đó có những hang động đẹp gắn với lịch sử, danh lam thắng cảnh có tiềm năng khai thác phát huy giá trị về phát triển du lịch như: Hang Chùa ở xã Văn Lăng, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, Hang Sa Khao, Hang Ốc, Hang Huyện, Động Linh Sơn, Chùa Hang, hang Thủng, hang Keo Cướm, hang Cuốn Lộng…
Hang động ở tỉnh Thái Nguyên thường nằm ở các địa bàn có núi đá. Là hang đá tự nhiên nằm trong một quần thể rộng lớn, xen lẫn đá núi và rừng cây lâu năm.
Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thái Nguyên - nhấn mạnh: "Sắp tới, Thái Nguyên sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai ứng dụng du lịch thông minh, tận dụng sức mạnh số để phát huy các tiềm năng du lịch tỉnh nhà".
Hang Chùa (Thái Nguyên). |
Trong khi đó, ông Hồ Anh Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình - cho biết: "Mục tiêu của Quảng Bình là phát triển tỉnh nhà trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn hàng đầu nhưng đồng thời luôn gắn với lợi ích cộng đồng, tránh tác động tiêu cực đến tự nhiên để giữ gìn và phát triển lâu dài".
Đặc điểm địa lý, khí hậu cùng với sự hình thành cộng đồng dân cư trong quá trình vận động phát triển xã hội qua nhiều thời kỳ khác nhau đã tạo cho Quảng Bình một hệ thống các giá trị du lịch thiên nhiên phong phú và hấp dẫn. 9 hang động du khách có thể khám phá ở Quảng Bình: Động Phong Nha, Động Tiên Sơn, Động Thiên Đường, Hang Tối, Hang Thủy Cung, Hang Tám Cô, Hang Tú Làn, Hang Én, Hang Sơn Đòong...
Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). |
Trao đổi thảo luận về hướng hợp tác phát triển du lịch hang động giữa hai tỉnh, các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử; phương thức khai thác và bảo tồn tài nguyên; chính sách sử dụng nhân lực là cộng đồng người dân địa phương để phát triển du lịch bền vững…
Cũng trong chương trình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên và Sở Du lịch Quảng Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác, mở ra triển vọng về hướng phát triển du lịch của hai địa phương, đặc biệt trong du lịch hang động. |