Theo đó, chương trình đặt mục tiêu, năm 2022 hoàn thành tối thiểu 1 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh; ưu tiên thực hiện mô hình sinh kế cho người dân đối với các công trình thủy điện đã và đang hoạt động.
Năm 2023 mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 1 mô hình phát triển sinh kế/1 thủy điện có hồ chứa thủy điện cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện. Nếu trên địa bàn huyện có 2 thủy điện thì có tối thiểu 2 mô hình.
Năm 2024 mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 2 mô hình phát triển sinh kế/1 thủy điện. Trường hợp trên địa bàn huyện có 2 thủy điện thì có tối thiểu 4 mô hình sinh kế.
Đến năm 2025, tất cả huyện có hồ chứa thủy điện đều có các loại mô hình sinh kế bền vững cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, đó là nâng cao nhận thức, năng lực cho chính quyền địa phương, người dân, cộng đồng người dân tại các lưu vực hồ chứa thủy điện.
Về thủy sản, tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi tại các huyện miền núi, đặc biệt là các lòng hồ thủy điện chưa triển khai mô hình nuôi cá lồng bè.
Về nông - lâm nghiệp, thực hiện tốt công tác giao khoán rừng đến người dân tái định cư thủy điện để người dân có nguồn thu nhập ổn định từ nguồn thu thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm giảm thiểu tác động vào rừng.
Về du lịch, khảo sát, đánh giá tiềm năng, kêu gọi thu hút đầu tư; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng lòng hồ thủy điện; tăng cường quảng bá xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mục đích đặt ra tại chương trình này là cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội gắn với sinh kế của người dân, nhất là đối với người dân khu vực miền núi, lưu vực các hồ chứa thủy điện.