Đó là những con số đáng báo động được BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra vừa qua.
Nợ BHXH, BHYT 201 tỷ đồng
BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi nên số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT tăng hàng năm. Đến ngày 30/6/2019, tỉ lệ bao phủ BHYT đã đạt trên 93,3%. Tuy nhiên, cũng đến thời điểm này, tổng số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn tới 201 tỉ đồng, bằng 4,9% kế hoạch thu được giao.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, đến hết tháng 12/2018, toàn tỉnh còn 1.729/6.300 doanh nghiệp với trên 36.000 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 917 đơn vị (13.705 lao động) nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 03 tháng trở lên với số tiền nợ gần 49,8 tỷ đồng, trong đó, số đơn vị khó thu (giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động, . . .) là 201 đơn vị, với số tiền nợ trên 23,3 tỷ đồng. Công tác khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục pháp lý để Tòa án xét xử.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, những khó khăn trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị sử dụng LĐ, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước, chưa nghiêm.
Luôn vượt quỹ KCB BHYT ở mức cao…
Bên cạnh vấn đề nợ đọng BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT ở Quảng Nam còn cao và không hợp lý, trong đó tập trung chủ yếu là chi tiền thuốc, tiền giường. Đơn cử như tại BVĐK tỉnh Quảng Nam có mức chi tiền giường tăng 21,34% và tiền thuốc tăng 20,8%; BVĐK Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam có mức chi tiền giường tăng 21,12% và tiền thuốc tăng 28,11%; BVĐK Trung ương Quảng Nam có mức chi tiền giường tăng 10,75% và tiền thuốc tăng 12,95%...
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cũng chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Theo ông Thanh, quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh âm là do đặc thù đối tượng tham gia BHYT chủ yếu là người có công với cách mạng, người nghèo nên quy mô quỹ thấp, trong khi đó còn nhiều DN trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. “Quảng Nam tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và sẽ có giải pháp để vận động người dân tham gia cũng như quản lý quỹ hiệu quả hơn”- ông Thanh nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đề nghị các cấp chính quyền Quảng Nam cần có những giải pháp, cơ chế mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với lĩnh vực này.
Kết luận tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn giám sát - đề nghị, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần tập trung phân tích nguyên nhân, có những giải pháp kiên quyết để đẩy nhanh tốc độ phát triển đối tượng, giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT cũng như tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT...