Quảng Nam nêu rõ những “điểm nghẽn” trong phát triển của tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc tại Quảng Nam chiều 27/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu ra những “điểm nghẽn”, trở ngại trong phát triển của tỉnh , mong được quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Quảng Nam (ảnh TTX)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Quảng Nam (ảnh TTX)

Cụ thể, các hạ tầng chiến lược để tạo sức bật mạnh cho tỉnh như Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và cảng biển Chu Lai chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng.

Vùng Đông của tỉnh được xác định là vùng động lực phát triển, khi hệ thống giao thông then chốt đang được đầu tư tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, những năm trước đây khu vực này không phát triển do không có giao thông nên tỉnh đã triển khai trồng rừng phòng hộ trên đất cát và đưa vào quy hoạch các loại rừng (tổng diện tích quy hoạch 3.636ha, trong đó có rừng 2.875ha chủ yếu là keo, phi lao). Hiện nay khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng và vùng Đông nói chung gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế.

Các hạ tầng tạo sức bật cho tỉnh Quảng Nam chưa được đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng

Các hạ tầng tạo sức bật cho tỉnh Quảng Nam chưa được đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng

Mặt khác, do đặc điểm, lịch sử quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh và các quy định hiện hành nên công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, là một tồn tại, trở ngại rất lớn trong quá trình phát triển, nhất là khu vực vùng Đông.

Đối với vùng Tây của tỉnh Quảng Nam có diện tích lớn (gần 7.832 km2, chiếm 74% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Mặc dù có điều kiện tốt về phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, nông lâm nghiệp, dược liệu, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái nhưng hạ tầng giao thông (chủ yếu là các tuyến Quốc lộ) từ đồng bằng lên miền núi còn nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng gây cản trở rất lớn cho sự phát triển của miền núi như: Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G, 40B, 14H, 24C và đặc biệt Quốc lộ 14D, 14E là tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, kết nối từ Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Trung Lào - Trung Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang đến cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), hành lang này có vị trí thuận lợi và rất quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mặt khác, Quảng Nam là tỉnh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng (độ che phủ rừng năm 2021 đạt 59,25%), tiềm năng khai thác kinh tế rừng rất cao, nhất là dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Tuy nhiên, các quy định hiện nay còn rất khó khăn cho phát triển lĩnh vực này.

Đặc biệt, Quảng Nam cũng nêu thêm, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay của tỉnh còn hạn chế về trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường quốc tế, cùng với tâm lý e ngại vi phạm các qui định pháp luật nên quá trình thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh thiếu các trường dạy nghề chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, công nghiệp 4.0.

Đối với đô thị cổ Hội An là một trong số ít di sản văn hoá thế giới có cộng đồng cư dân sinh sống, với mật độ khách tham quan và dân cư tập trung trong khu vực phố cổ Hội An ngày càng tăng, vì vậy áp lực trong công tác quản lý rất lớn như: phòng cháy chữa cháy, quản lý xây dựng, tu bổ di tích, giữ gìn văn hóa kinh doanh, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường,...cùng với đó là việc xuống cấp các di tích trong khu phố cổ do hàng năm đều bị ngập lụt sâu.

Khu đền tháp Mỹ Sơn đang đối diện với nhiều nguy cơ hư hại do điều kiện khí hậu khắc nghiệt như lũ lụt, độ ẩm cao, làm ảnh hưởng tới việc tu bổ các đền tháp cũng như việc đi lại tham quan của du khách và mở rộng thực hiện các nghiên cứu khảo cổ học sang những địa bàn mới. Khu đền tháp này nằm cách biệt với các trung tâm huyện, xã nên việc khai thác phục vụ du lịch còn hạn chế.

Với 2 di sản này, nguồn thu phí tham quan Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn phải nộp ngân sách, không được để lại cho chi quản lý và trùng tu, tôn tạo như trước đây trong điều kiện cả 2 Di sản văn hóa thế giới độc đáo này hiện nay đang xuống cấp, cần có nguồn lực để kịp thời bảo tồn, tu bổ.

Quảng Nam đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án đặc thù riêng cho bảo tồn và phát huy đô thị cổ Hội An trình Chính phủ quyết định trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ; Đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương cho tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án xã hội hoá quản lý khai thác, phát huy di tích Khu đền tháp Mỹ Sơn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện trong năm 2023, theo hướng: Công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn do nhà nước quản lý; Công tác quản lý khai thác, phát huy giá trị di tích sẽ được thực hiện xã hội hóa nhằm phát huy hơn nữa giá trị của Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Quảng Nam cũng nói đến Dự án làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300 ha, đến nay đã hơn 20 năm nhưng triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực, nguyên nhân là thiếu nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích, quy mô và số hộ dân bị ảnh hưởng tương đối lớn.

Đọc thêm