Đây là đoạn đường mà hằng ngày các xe tải to nhỏ vào hai mỏ đá Vinaconex, Kỳ Hà và Rạng Đông. Nhiều năm qua người dân nơi đây phải sống chung với cảnh đường xá bị cày xới, hư hỏng nặng, nhiều vị trí bị lún sâu bởi những chiếc xe tải chở đá của 2 mỏ đá ngày đêm vận chuyển qua lại.
Khổ nhất vẫn là vào mùa mưa, những hố nước rất lớn và sâu xuất hiện, hầu như đoạn đường này không thể di chuyển bằng xe máy được. Khi đi qua đoạn đường gập ghềnh khó đi này, nhiều tài xế xe ben vẫn ngang nhiên chạy với tốc độ cao, nguy hiểm hơn đây là tuyến đường đầu nối ngay trên quốc lộ 1A nơi có nhiều xe lưu thông hằng ngày.
Tại công trường, phóng viên ghi nhận có rất nhiều ô tô vận tải, băng tải, máy xúc, máy ủi, máy nghiền hoạt động rầm rầm. Trên công trường khai thác đá, tiếng ồn từ máy khoan đá, máy nghiền đá, mùi khí thải từ máy xúc, máy ủi, ôtô tải lớn bện với bụi đá, làm cho không khí trở nên ngột ngạt, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Hai bãi nghiền đá quy mô lớn lại nằm trong khu dân cư, nhiều năm qua thải ra khói bụi mịt mù làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Xe tải cày nát đường dân sinh |
Bụi tung trắng xóa |
Từ lâu, khuyến cáo của các chuyên gia đưa ra dành cho lĩnh vực khai thác đá đó là phải khai thác từ trên cao đổ xuống để loại trừ những mối nguy hiểm đá từ trên cao đổ ập do hiện tượng đá rơi. Thế nhưng một nghịch lý ở đây, mọi hoạt động khai thác đá lại hoạt động dưới chân núi.
Xe múc cào vào vách núi, trên đầu là hàng loạt đất đá rơi lã chã tưởng chừng cả quả núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nguy hiểm nhất là xe múc chỉ chăm chăm múc vào sâu bên trong, tạo thành một hốc lớn mà không nhìn được sự nguy hiểm trước mắt.
Ở nơi đầy rẫy sự rủi ro như khai thác đá, chỉ cần một sai phạm nhỏ có thể gây nên những tổn thất nặng nề về tính mạng và gây bao nhiêu đau thương cho nhiều gia đình. Dẫu biết là thế, ý thức được những mối nguy hiểm là thế, nhưng chủ mỏ cũng như người lao động dường như vẫn làm ngơ, không thực hiện đúng những quy định trong khai thác đá để đảm bảo an toàn lao động.
Dù ngành khai thác đá mang lại giá trị kinh tế cho vùng và không thể thiếu trong xây dựng, tuy nhiên để phát triển bền vững và đồng bộ thì vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân sinh sống tiếp tục phải được thực hiện và nâng cao hơn nữa.
Trước tình trạng khai thác nguy hiểm như vậy, rất mong chính quyền và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, chấn chỉnh việc gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động, những vấn đề về chất lượng đường xá, an toàn giao thông cho người dân của xí nghiệp Vinaconex, Kỳ Hà và Rạng Đông.