Ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ cho biết, ngày 1/11, Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án và đang tổng hợp tất cả các hồ sơ liên quan đến vụ án để chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, trước đó vào khoảng 21h, ngày 08/10, tổ công tác liên ngành UBND xã Ba Trang (gồm các lực lượng Kiểm lâm địa bàn, Công an xã Ba Trang và lực lượng bảo vệ rừng Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện Ba Tơ) tổ chức kiểm tra bảo vệ rừng tại thôn Kon Dóc, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện 02 đối tượng điều khiển 02 xe gắn máy.
Phát hiện lực lượng kiểm tra, 02 đối tượng bỏ chạy vào rừng để lại xe gắn máy (BKS 76L1-01480) và 01 ba lô màu xanh, rằn ri ở bên trong có 02 cá thể động vật (nghi là voọc chà vá chân xám); 01 bao tải màu cam bên trong có 03 cá thể động vật (nghi là voọc chà vá chân xám), 01 con sóc bay, 01 bình hơi (dùng để nạp hơi cho súng hơi tự chế), 53 viên đạn chì, 01 ống giảm thanh và điều khiển một xe gắn máy khác chạy trốn khỏi hiện trường.
Tổ công tác đã lập biên bản kiểm tra, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện có liên quan và thông báo (qua điện thoại) cho Cơ quan Kiểm lâm huyện Ba Tơ tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền.
5 cá thể voọc chà vá chân xám và 01 con sóc bay bị bắn chết. |
Ngày 14/10, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ đã ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 06/QĐTCGĐ- HKL gửi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để giám định tên, loài động vật. Thời gian giám định từ ngày 14/10 đến ngày 30/10.
Đến nay, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã xác định mẫu vật do Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ gửi đến là voọc chà vá chân xám, thuộc bộ linh trưởng nhóm cực kỳ quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.
Dụng cụ các đối tượng dùng để săn bắn. |
Sau khi một số cơ quan báo chí thông tin về vụ việc 5 cá thể voọc chà vá chân xám quý hiếm bị bắn chết. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo tại Công văn số 7630/VPCP- NN ngày 20/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 5616/UBND-NNTN ngày 22/10/2021 giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra, xử lý trước ngày 30/10/2021.
Ngày 23/10, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Công văn 4476/CAT-PV01(CS) gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc đề nghị báo cáo kết quả điều tra, xử lý vụ việc bắt giữ 05 cá thể động vật tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Công an tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ phối hợp với Công an huyện điều tra, xác minh, xử lý vụ việc trên. Báo cáo kết quả vụ việc trên cho Công an tỉnh (qua Phòng Tham mưu) trước ngày 27/10 để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi báo cáo Chính phủ theo quy định.
Lần theo chiếc xe máy bị bỏ tại hiện trường, cơ quan chức năng đã điều tra, sàng lọc và xác đinh được đối tượng gây ra vụ săn bắn trên. Ngày 29/10, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ đã mời đối tượng Phạm Văn A Long (31 tuổi) lên làm việc. Tại đây, đối tượng Long đã khai nhận toàn bộ sự việc và khai ra đối tượng đi cùng là Phạm Văn Tên (25 tuổi). Cả hai đều trú ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ săn bắt, giết hại 5 cá thể voọc chà vá chân xám và 01 con sóc bay tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. |
Ngày 02/11, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, Huyện ủy, UBND huyện Ba Tơ tham gia cùng Đoàn công tác đã khám nghiệm hiện trường săn bắt, giết hại 5 cá thể voọc chà vá chân xám tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ.
Được biết, đàn voọc chà vá chân xám ở khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 426 thuộc lâm phận xã Ba Trang, huyện Ba Tơ có khoảng 30 - 40 con đã sinh sống theo bầy đàn, di chuyển chỗ ở thường xuyên. Voọc chà vá chân xám (danh pháp khoa học: Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Số lượng của quần thể ước khoảng 550 - 700 con.
Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện đồng thời, tăng cường các biện pháp tuần tra, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ động vật rừng trái pháp luật.