Quảng Ngãi không có thiệt hại về người do bão số 9 gây ra

(PLVN) - Chiều 29/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo nhanh về tình hình sau khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra công điện khẩn, yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục ứng phó tình hình sau bão.
Quảng Ngãi đã ghi nhận những thiệt hại ban đầu về nhà ở, trụ sở cơ quan bị tốc mái... do bão số 9.

Nhiều nhà ở, trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng

Về tình hình thiệt hại ban đầu, tính đến 13 giờ 30 phút ngày 28/10, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi chưa có thiệt hại về người do bão số 9 gây ra.

Về nhà ở, nhà bị sập đổ 1 cái tại Tư Nghĩa; nhà ở bị tốc mái, hư hỏng: 934 nhà (Đức Phổ: 300, Tư Nghĩa: 70, Trà Bồng: 22, Sơn Tây: 16, Sơn Tịnh: 493, Ba Tơ: 32, Sơn Hà: 1).  Trụ BTS bị ngã đổ 1 trụ (trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ).

 Câu cối ngã đổ trên đường (ảnh Đ.H)

Trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng: 31 cái, gồm: trụ sở các cơ quan tại huyện Tư Nghĩa (Trung tâm Văn hóa huyện Tư Nghĩa); Trụ sở cơ quan làm việc tại huyện Sơn Tịnh: 12 cái (UBND các xã: Tịnh Đông, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Trà); Trụ sở các cơ quan huyện Ba Tơ: 3 cái; Trụ sở các cơ quan Công an tỉnh (05 trụ sở), tại các huyện, thị xã, thành phố: 09 trụ sở;  Trạm Khí tượng Thủy văn An Chỉ; Nhà điều hành Cảng Lý Sơn. Chợ bị hư hỏng 1 cái (chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa).

Tính đến 13 giờ 30 ngày 28/10, tổng số hồ chứa nước của tỉnh là 124 hồ chứa, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ theo dõi chặt chẽ tình hình hồ chứa, nhất là đối với các hồ xung yếu (15 hồ), sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố (nếu có).

Dung tích các hồ đạt trung bình khoảng 65% dung tích thiết kế. Trong đó, hồ chứa nước có tràn xả lũ tự do: 70,4% dung tích thiết kế, hồ chứa nước có cửa van điều tiết: 64% dung tích thiết kế. Riêng hồ chứa nước Nước Trong đạt 66,8% dung tích thiết kế.

 TP Quảng Ngãi sau bão số 9 (ảnh Đ.H)

Về hồ thủy điện, dung tích trữ của các hồ chứa: Đakđrinh: 84,5%, Hà Nang: 54,3%, ĐăkRe: 63,3%.

Về thủy sản: Một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.

Về giáo dục có 28 trường học bị tốc mái (Sơn Tịnh: 22, Tư Nghĩa: 1, Đức Phổ: 2, Ba Tơ: 3).

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng.

Tỉnh ra công điện khẩn ứng phó tình hình sau bão

Trước tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra công điện khẩn gửi các các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, lực lượng chức năng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa, lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, Chủ tịch Đặng Văn Minh yêu cầu, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong những ngày vừa qua và Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 26/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 và mưa lũ sau bão.

Tổ chức thống kê, khắc phục thiệt hại ngay sau bão tan, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ sau bão với nhiệm vụ trọng tâm như: 

Các huyện, thị xã, tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt, nhà ở không đảm bảo an toàn đến nơi an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt trong phương án của địa phương và kịch bản ứng phó tình huống mưa, lũ lớn sau bão … 

 Khẩn trương rà soát phương án chi tiết ứng phó tình huống mưa, lũ lớn trên địa bàn để triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai việc thực hiện phương án ở cấp cơ sở; trực chiến chỉ huy; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất sau bão số 9 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị….

 

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi đảm bảo ổn định giá cả thị trường và nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của Nhân dân, các loại vật tư, vật liệu xây dựng sau bão, lũ.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tùy theo tình hình thực tế bão, mưa, lũ tại địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh kiểm tra, chỉ đạo rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện ngay các biện pháp phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân, nhà máy, công xưởng và các hệ thống thiết bị, tài sản,… đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thép Hòa Phát, Khu công nghiệp VSIP,…

 Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối khẩn trương triển khai Phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn  cho công trình; di dời, sơ tán toàn bộ người và trang thiết bị thi công đến nơi an toàn để phòng tránh bão, lũ, sạt lở đất; tiếp tục rà soát thu dọn vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.

Người đứng đầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tạm dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống lũ sau bão số 9; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo nếu để xảy ra thiệt hại về người.

Đọc thêm