Quảng Ngãi “loay hoay” tạo điểm nhấn đô thị

(PLVN) - Chợ đêm sông Trà (sông Trà Khúc, Quảng Ngãi) ra đời từng được kỳ vọng tạo điểm nhấn văn hóa cho đô thị Quảng Ngãi nhưng sau gần 10 năm hoạt động, tỉnh này vừa có chỉ đạo phải dừng khai thác trước ngày 30/4. Tương tự, chợ đêm Lý Sơn cũng từng được tỉnh này kỳ vọng tạo thêm sản phẩm du lịch mới trên huyện đảo, nhưng đúng 1 năm hoạt động “cầm hơi” đã phải… “khai tử”.

Gần 10 năm tồn tại cùng bất cập

Chợ đêm Sông Trà nằm trên đường Tôn Đức Thắng, cạnh dòng sông Trà Khúc. Chợ đêm Sông Trà được thống nhất chủ trương thực hiện phương án đầu tư từ tháng 8/2011. Lần lượt thay đổi qua 2 đơn vị tư nhân xin khai thác, chợ đêm kỳ vọng sẽ góp phần giải bài toán thiếu sản phẩm du lịch về đêm cho du khách khi có dịp đến TP Quảng Ngãi. Nơi đây để ngắm cảnh, khám phá sông Trà và chọn mua những món đồ làm kỷ niệm một lần đến đây hay cũng có thể ghé vào một quán vỉa hè nào đó ven khu chợ thưởng thức ẩm thực…

Chợ đêm Sông Trà có 213 gian hàng (89 hộ kinh doanh), gồm 70 gian hàng thương mại, 143 gian hàng ẩm thực. Tuy nhiên, gần 10 năm hoạt động, khu thương mại chủ yếu bán quần áo, giày dép, túi xách... làm sẵn. Chợ đêm này không có các sản phẩm mang dấu ấn địa phương hay các sản phẩm du lịch có nét đặc trưng riêng biệt. 

Chưa hết, gọi là khu ẩm thực chợ đêm nhưng thực chất chỉ có các quán nhậu. Nhiều người còn ví nơi này như chốn “thiên đường nhậu nhẹt”, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, thậm chí đã xảy ra án mạng. Ngoài ra, với chợ đêm Sông Trà, ô nhiễm tiếng ồn từ những dàn “karaoke di động” và lời hô nhậu có khi cả đêm tới sáng đang là nỗi ám ảnh của người dân sinh sống gần đó và du khách lưu trú tại các khách sạn dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng…

Theo đại diện Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm qua, trên tuyến đê Bắc (cách cầu Trà Khúc số 1 khoảng 300m về phía Tây), nhiều hộ kinh doanh ăn uống đã tự ý xây dựng trái phép các hạng mục như tự ý mở đường lên xuống, lát gạch, xây các bậc thang dân sinh bằng bê tông… Đáng lo ngại nữa, tình trạng khoan giếng phổ biến ở khu vực chợ đêm Sông Trà. Điều này có thể gây nên sạt lở bờ đê trong khi đây là tuyến đê bảo vệ cho cả TP Quảng Ngãi vào mùa mưa lũ. 

Vừa “khai sinh” đã… “khai tử”

Tương tự, chợ đêm Lý Sơn được xây dựng tại trung tâm huyện Lý Sơn trên diện tích gần 1.000m2, kéo dài khoảng 500m, với gần 40 gian hàng trưng bày và bày bán các sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện đảo, đồ lưu niệm và ẩm thực… Tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng (trong đó đóng góp của các hộ kinh doanh gần 1,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư hạ tầng của địa phương).

Đưa vào hoạt động từ tháng 7/2018, chợ đêm được coi như một sản phẩm du lịch mới trên địa bàn và kỳ vọng sẽ tạo không gian du lịch cho người dân địa phương và du khách, giới thiệu, quảng bá các đặc sản, thương hiệu du lịch biển đảo Lý Sơn đến với du khách trong và ngoài nước.

Nhưng sau một thời gian ngắn, chợ đêm đã lộ ra những hạn chế và rơi vào tình trạng chợ “3 không”: Không hàng hóa, không người bán và không người mua. Một trong những nguyên nhân chính khiến chợ đêm vừa hình thành đã phải thất bại được những người dân địa phương đánh giá, do chợ đêm đầu tư xây dựng ở vị trí chưa phù hợp.

Chợ đêm xây dựng gần khu nghĩa địa cũ trông rất mất mỹ quan. Đã vậy, chợ ở bên cánh đồng trồng hành, tỏi nên mỗi khi vào vụ, người dân phun thuốc bảo vệ thực vật bay mùi rất khó chịu. Lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn khi đó cũng thừa nhận, do chợ đặt không đúng vị trí.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã vận động các hộ tiểu thương tháo dỡ, di dời các gian hàng ra khỏi khu vực để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, UBND huyện Lý Sơn cũng có văn bản trình Ban Thường vụ Huyện ủy đề xuất tạm thời không hình thành chợ đêm. 

Khi cảng Bến Đình đi vào hoạt động và dự án Vườn hoa kiến thiết đô thị Lý Sơn, Quảng trường trung tâm huyện hoàn thành, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát và chọn vị trí phù hợp. Như vậy, qua rất nhiều tiêu tốn tiền bạc, thời gian, tháng 7/2019, chợ đêm Lý Sơn chính thức bị “khai tử”.

Vì sao chợ đêm phải dừng hoạt động?

Những ngày qua, thông tin chợ đêm sông Trà “khai tử”, nhiều hộ kinh doanh tỏ ra hụt hẫng. Nhiều người buồn và lo lắng bởi thông tin khá đột ngột.

Ông Đặng Sơn, một hộ dân bán hàng tại khu chợ chua chát: “Vừa dịch Covid-19 xong mọi người đã khổ vì trả nợ tiền đầu tư hàng hoá, rồi chưa được bao lâu lại dính bão, lại phải đi vay mượn gầy dựng từ đầu. Giờ mới ra Tết, các hộ kinh doanh tiếp tục 1 lần nữa “xuống tiền” đầu tư hàng hoá, quán xá trở lại, với mong  muốn có khởi đầu 1 năm mới làm ăn suôn sẻ để có tiền trả nợ. Nay “đùng đùng”, tin chợ đêm ngưng hoạt động mà không hề có biện pháp thay thế, ai cũng sốc khi không biết tương lai sẽ về đâu”?

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi xác nhận, nhiều hộ kinh doanh ở chợ đêm đều là những người sống ở khu quy hoạch Trung tâm Hành chính tỉnh Quảng Ngãi bị “treo” hơn 20 năm qua nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Hiện có khả năng gần 700 lao động mất việc làm, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng. Do đó, thành phố cũng sẽ tính phương án hỗ trợ.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo kiên quyết rằng, UBND TP Quảng Ngãi phải dừng hoạt động của chợ đêm trước 30/4. Ông Hiền khẳng định, việc thiếu cơ sở pháp lý là nguyên nhân lớn nhất buộc chợ dừng hoạt động. Đồng thời, mục đích ban đầu khi thành lập chợ đêm là quảng bá các sản phẩm, đặc sản của tỉnh không đạt được. Hình ảnh nhếch nhác của chợ cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của tỉnh.

Đáng nói, việc xây dựng chợ đêm hoàn toàn không phải tự phát mà có lộ trình từ phía chính quyền. Dư luận cho rằng, ngoài yếu tố chưa thể giải quyết vấn đề an sinh cho người dân sau bao nhiêu năm “vẽ” ra chợ đêm, không biết Quảng Ngãi sẽ còn phải loay hoay với vấn đề tạo sản phẩm thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn đô thị cho tới bao giờ? Bởi vì, chính cách quản lý của các cấp lãnh đạo không tốt mới đẩy một đề án theo hướng bất cập, nhưng lại hành xử theo điệp khúc “xây, sai và bỏ”!.

Đọc thêm