Cháy lớn liên tiếp xảy ra trong năm 2016
Trong gần 2 năm trở lại đây, hiện tượng cháy nổ trên địa bàn Quảng Ninh có chiều hướng ra tăng, theo thông tin từ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh đã có 124 vụ cháy, 02 vụ nổ, trong đó tính riêng năm 2016 đã có trên 51 vụ cháy, một số vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra. Điển hình vụ cháy nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra lúc 6h sáng ngày 22/11, tại phòng nạp ắc quy của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả (phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh), vụ cháy khiến toàn bộ phòng nạp ắc quy, cùng nhiều thiết bị của nhà máy bị thiêu rụi. Sau gần 3 tiếng chữa cháy của các lực lượng chức năng, đám cháy được dập tắt, tuy không thiệt hại về người nhưng vụ cháy đã gây thiệt hại khá nặng nề về tài sản và phải dừng toàn bộ sản xuất để khắc phục hậu quả. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện đường cáp ngầm. Điều đáng nói, qua vụ việc để lại trong dư luận về một nhà máy sản xuất điện lại mất an toàn về điện.
Đáng quan ngại, xuất hiện ngày càng nhiều vụ hỏa hoạn có tính chất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, như vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 17h30 ngày 7/8, tại cây xăng Ka Long (phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Nguyên nhân là xe bồn chở xăng đang tiếp xăng cho bể chứa thì gặp sự cố dẫn đến cháy, toàn bộ 15m3 xăng bốc cháy dữ dội. Theo những người dân chứng kiến, chỉ khoảng 10 phút sau thì xuất hiện ngọn lửa lớn, bốc cao, khói khí đen dày đặc, ngọn lửa ngày càng lan dần và cháy lớn như muốn nổ, đứng cách xa vài chục mét vẫn thấy sức nóng khủng khiếp từ đám cháy tỏa ra. Sau hơn 2 tiếng tiếp cận, nỗ lực dập cháy của lực lượng chức năng, đám cháy được khống chế, hầm xăng được đóng nắp ngăn cách ngọn lửa, tuy không thiệt hại về người những đã khiến toàn bộ người dân khu phố sống quanh đó hết sức hoang mang, lo lắng. Thành phố Móng Cái đã phải nhanh chóng triển khai các biện pháp di dời người dân xung quanh nhằm đảm bảo an toàn, đề phòng cây xăng phát nổ.
Bên cạnh những vụ hỏa hoạn tại khu vực sản xuất công nghiệp, nhiều vụ cháy xảy ra ở cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn đã ảnh hưởng đến niềm tin của du khách vào chất lượng và thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Đáng kể là vụ cháy tàu du lịch hạng sang trên vịnh Hạ Long lúc 11h ngày 6/5. Theo ghi nhận tại hiện trường vụ cháy, chiếc tàu bị nạn là du thuyền mang số hiệu QN 6299 Aphrodite (Aphrodite Cruise), trên thuyền lúc xảy ra hỏa hoạn có 42 người, trong đó có 36 du khách người nước ngoài, vụ việc đã khiến 3 du khách bị thương và thiêu rụi hoàn toàn phần trên, phá hỏng cấu kiện bên dưới khiến nước tràn vào trong gây chìm tàu. Khi phát hiện cháy tàu, toàn bộ du khách trong trạng thái hoảng loạn, một số du khách đã nhảy xuống Vịnh từ độ cao hàng chục mét để thoát thân, rất may vụ việc xảy ra gần bờ nên không gây thiệt hại về người. Tuy vậy, vụ cháy đã tạo lên một hình ảnh không đẹp, ảnh hưởng tới uy tín của du lịch trên vịnh Hạ Long.
Du khách nhảy xuống Vịnh thoát thân từ vụ cháy tàu du lịch hạng sang mang số hiệu QN 6299 Aphrodite Cruise8. |
Cũng trong lĩnh vực giải trí, quán hát karaoke được cơ quan PCCC của tỉnh đặc biệt quan tâm và đưa vào danh mục cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke trên địa bàn, trong đó gây chấn động dư luận là vụ cháy quán karaoke Version II trên đường Triều Dương, phường Trần Phú, TP Móng Cái vào hồi 21h ngày 18/3, khiến 22 khách hát và nhân viên phục vụ bị mắc kẹt trên tầng 6. Khi lực lượng PCCC đến hiện trường thì toàn bộ khói đen của vụ cháy đã bao kín từ tầng 4 tới tầng 6 tòa nhà, nhiệt độ phòng tăng nhanh, thiếu oxi trầm trọng, toàn bộ phòng hát trong tình trạng bùng phát ngọn lửa, không thể cứu nạn bằng cầu thang bộ, với thiết bị cứu nạn khá hiện đại, các chiến sỹ PCCC nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phá vỡ các ô kính và nhanh chóng tiếp cận, đưa toàn bộ người bị nạn thoát chết trong gang tấc.
Hệ lụy từ những vụ cháy đã làm cho biết bao người, bao gia đình phải lâm vào cảnh gia đình ly tán và đứng trước nguy cơ sạt nghiệp. Thực tế đã cho chúng ta chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn kinh hoàng, nhất là xảy ra đối với những ngôi nhà phố liền kề, vừa kinh doanh và vừa để ở, hàng hóa vô tình làm mồi cho ngọn lửa, một gia đình bất cẩn gây hỏa hoạn làm vạ lây những nhà xung quanh. Điều này đã xảy ra chỉ cách đây mấy tháng trước, vào khoảng 21h30 ngày 14/11 (tại khu Vĩnh Hòa, thị trấn Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh), đám cháy bắt đầu từ cửa hàng nội thất chuyên may bạt đệm Tùng Hằng, tuy không có thiệt hại về người nhưng giá trị tài sản bị cháy lên tới hàng chục tỷ đồng. Đáng lưu ý trong vụ cháy này, vì có nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ 2 chiếc xe ô tô trong cửa hàng nội thất khiến người dân không dám tiếp cận hiện trường để dập lửa, điều đó làm cho ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt rồi nhanh chóng lan nhanh sang làm cháy thêm 5 ngôi nhà liền kề, rất may cây xăng Ánh Dương gần đó chưa kịp bén lửa do lực lượng cứu hỏa đã ngăn chặn và khống chế kịp thời.
Thách thức đặt ra đối với cơ quan chức năng
Thống kê của cơ quan Cảnh sát PCCC tỉnh cho thấy, hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 4.198 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó 1.699 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Mặc dù đã thành lập đủ 14 phòng cảnh sát PCCC khu vực của 14 địa phương và xây dựng 100% phường, xã có đội dân phòng PCCC, tuy vậy công tác này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, nhiều thách thức đặt ra.
Thực tiễn cho thấy, nâng cao nhận thức về PCCC cho người dân vừa là giải pháp hữu hiệu nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất trong phong trào thực hiện toàn dân tham gia PCCC. Chính vì vậy, trong 2 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức 222 lớp tuyên truyền miệng cho 18.152 người, mở 248 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho tổng số 22.009 lượt người gồm nhiều đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo cơ quan Cảnh sát PCCC tỉnh nhận xét, còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa có những kiến thức cơ bản về PCCC, chưa thực sự quan tâm, có ý thức và nâng cao trách nhiệm về PCCC, nhất là những người đứng đầu các tổ chức và gia đình, không thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC trong sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều đơn vị không tổ chức cho cán bộ công nhân viên thường xuyên huấn luyện kiến thức, kỹ năng PCCC theo quy định; không quan tâm kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng, thay thế các trang thiết bị PCCC hư hỏng tại cơ sở, dẫn đến khi có sự cố xảy ra, các thiết bị này không thể vận hành, hoặc không đáp ứng được yêu cầu chữa cháy. Do đó, việc tham gia chữa cháy, dập cháy ngay từ lúc ban đầu vụ cháy còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả, từ một đám cháy nhỏ dẫn đến hỏa hoạn lớn, khi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đến hiện trường thì vụ việc đã trở lên khó kiểm soát.
Lực lượng chức năng giải cứu nạn nhận trong vụ cháy quán karaoke Version II, phường Trần Phú, TP Móng Cái. |
Đối với công tác phòng cháy của lực lượng PCCC còn nhiều hạn chế, từ việc nắm tình hình, diễn biến cơ sở, địa bàn quản lý đến công tác điều tra cơ bản, rà soát, phân loại, lập hồ sơ các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC còn nhiều sơ hở. Lực lượng PCCC tại chỗ trên toàn tỉnh được thành lập khá đông đảo nhưng ít được diễn tập nên không phát huy hiệu quả khi tham gia chữa cháy tại hiện trường, đến nay toàn tỉnh có 5.133 đội PCCC tại chỗ với tổng số 35.537 đội viên, nhưng trên thực tế khi hỏa hoạn xảy ra chỉ có lực lượng chuyên nghiệp mới có khả năng khống chế và đập tắt đám cháy.
Công tác kiểm tra an toàn PCCC theo định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề, đặc biệt là kiểm tra các loại hình cơ sở có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao như: chợ, trung tâm thương mại, khách sạn, chung cư, nhà cao tầng, kinh doanh dịch vụ karaoke, kho hóa chất, thuốc nổ, xăng dầu, gas, tàu du lịch của các cơ quan chức năng còn có lúc, có nơi bị buông lỏng. Việc thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC tuy đã được duy trì nhưng còn bất cập so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khá khắt khe về PCCC. Kết quả sau 2 năm có tới 9.533 lượt cơ sở được kiểm tra nhưng chỉ tạm đình chỉ hoạt động có 03 trường hợp, đình chỉ hoạt động 03 trường hợp và cảnh cáo 01 trường hợp.
Bên cạnh đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên toàn tỉnh còn thiếu cả về nhân lực và các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy không đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế khi cứu nạn; chưa có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về PCCC; việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Một nguyên nhân khách quan hiện nay dẫn đến khó khăn trong công tác chữa cháy là do tình trạng giao thông khá đông đúc, các khu dân cư không được bố trí lắp đặt các trụ nước chữa cháy và đường vào nhỏ, chật hẹp dẫn đến xe chữa cháy khó tiếp cận hiện trường.