Trong phiên thảo luận, đã có 14 ý kiến được các đại biểu phát biểu tại hội trường, tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm. Các đại biểu cho rằng, chỉ nên xem xét cân đối, bố trí vốn sau khi đánh giá hiệu quả và đảm bảo đúng, đủ quy trình thủ tục theo quy định đối với các dự án thuộc lĩnh vực CNTT, thành phố thông minh, chuyển đổi số năm 2022. Đối với dự án hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh, cần nhanh chóng phân bổ nguồn vốn để hoàn thành nhanh, sớm, tạo nền tảng cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Cũng trong nội dung phân bổ nguồn vốn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, các đại biểu cho rằng, những năm qua, tỉnh đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư cho hạ tầng và hệ thống phần mềm chuyên dụng. Tuy nhiên do tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ, nhiều dự án có tuổi thọ không cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá hiệu quả, có kế hoạch triển khai, ứng dụng theo hướng đón đầu, đảm bảo hiệu quả lâu dài, không lãng phí nguồn lực đầu tư.
Nội dung về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022 cũng là một trong những nội dung được đại biểu hết sức quan tâm và dành nhiều thời gian thảo luận. Trong đó, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Tổ Đại biểu Vân Đồn - Cô Tô cho rằng: Các dự án đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công đều là các dự án phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới do cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư là cần thiết và phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, trong nghị quyết cần cân nhắc về nội dung cho phù hợp đối với các dự án cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các địa phương, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư công, triển khai thực hiện công tác giải ngân đầu tư công bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, hạn chế tối đa việc kéo dài giải ngân vốn đầu tư công các năm tiếp theo.
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Việt Dũng, đại biểu Đinh Trung Kiên cũng đề nghị đối với các dự án kéo dài cần có mốc thời gian hoàn thành cụ thể và các địa phương cần có cam kết với tỉnh về việc đảm bảo hoàn thành tiến độ đối với các dự án.
Về nội dung đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh (giai đoạn 2021-2025), các đại biểu cho rằng, việc đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng trường là cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước trở thành một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại phục vụ cho sự phát triển KTXH của tỉnh.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hồng Quyên, Tổ đại biểu Cẩm Phả, cho rằng, quy mô đầu tư cần sát với định hướng phát triển của nhà trường và phù hợp với nhu cầu sử dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả sau đầu tư, tránh lãng phí. Về dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đều nhất trí cho rằng, việc tỉnh có chủ trương nâng cấp mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là công nhân ngành than.
Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV. |
Còn đại biểu Nguyễn Thị Định, Tổ đại biểu TP Hạ Long kiến nghị, cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, tỉnh cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo vận hành trang thiết bị, máy móc kỹ thuật và hoạt động của Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đạt hiệu quả cao nhất.
Cũng nằm trong vấn đề y tế, nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng là một nội dung được các đại biểu hết sức quan tâm. Trong đó, đại biểu Bùi Thị Hải, Tổ đại biểu TP Hạ Long đặt ra vấn đề hiện nay, toàn tỉnh hệ thống y tế chưa đạt được mục tiêu giường bệnh/10.000 dân. Vì vậy, trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, ngành y tế sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để đạt được chỉ tiêu nghị quyết hay có phải tăng/giảm chỉ tiêu trong các nghị quyết hay không? Các đại biểu cũng cho rằng, việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh phải tính đến hiệu quả thực tế và kiên định với mục tiêu cao nhất là bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Về vấn đề sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, bản, khu phố và quy định chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập, đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu TP Hạ Long đánh giá, nội dung này là vô cùng cần thiết và đúng thời điểm khi tỉnh đang chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng, thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 – 2025.
Đồng thời, quan tâm nâng cấp một số cơ sở hạ tầng ở thôn, bản trong đó có hệ thống giao thông để phục vụ việc đi lại của người dân sau khi sáp nhập thôn, bản, khu phố; đầu tư cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn đảm bảo phù hợp với quy mô, số lượng người dân trong thôn, bản mới sáp nhập; có hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ người dân kịp thời nếu phải tiến hành thay đổi giấy tờ, hồ sơ cá nhân cho phù hợp với với tên gọi thôn, bản, khu phố sau khi sáp nhập.
Tại phiên thảo luận, lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo địa phương cũng đã trực tiếp báo cáo, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu tại kỳ họp, đảm bảo quyết nghị thông qua có tính khả thi cao, đặc biệt là việc giải ngân vốn đầu tư công. Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, dân chủ, Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thông qua 14 nghị quyết quan trọng với sự thống nhất cao của các đại biểu HĐND tỉnh.