Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng

(PLVN) - UBND tỉnh Quảng Ninh mới có Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp:

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng (PCTN), Luật PCTN năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về PCTN và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và pháp luật; phải coi đấu tranh PCTN là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, … bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm, phức tạp; đồng thời lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên….

Đề nghị các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan báo chí và nhân dân phát huy vai trò giám sát trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung tại Công điện này, định kỳ tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đọc thêm